Trong không gian trưng bày 8 chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" tại Công viên tượng đài có riêng 1 hộp hình nói về 3 lần công đồn Đức Lập. Một phần những chiến công xưa được tái hiện thông qua mô hình thu nhỏ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng giúp người xem phần nào hình dung được chiến công hiển hách của cha ông; đồng thời, cảm nhận rõ hơn về việc vì sao Long An vinh dự nhận 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Mô hình trận đánh đồn Đức Lập tại không gian trưng bày 8 chuyên đề Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc
Thuyết minh viên khu Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" - Lê Thị Như Ngọc cho biết: “Ba lần công đồn Đức Lập là một trong những chiến công vang dội nhất của quân, dân Long An nói riêng và Khu 8 nói chung, góp phần đánh bại âm mưu bình định có trọng điểm của Mỹ-ngụy, làm phá sản kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch ở những vị trí then chốt quanh Hậu Nghĩa và Sài Gòn (nay là TP.HCM). Chiến thắng này thể hiện sức lực, trí tuệ của quân và dân Long An với sự vận dụng thành công chiến thuật 3 mũi giáp công, kết hợp 3 thứ quân tiêu diệt địch; đồng thời, sáng tạo ra một cách đánh mới: Đánh bồi, đánh nhồi, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù”. Có thể nói, 3 trận Đức Lập là mảnh ghép quan trọng, thể hiện tinh thần trung dũng, kiên cường của quân và dân Long An, góp phần giúp Long An được tặng 8 chữ vàng.
Đức Lập xưa là xã thuộc huyện Đức Hòa, nối liền Hậu Nghĩa với Củ Chi (TP.HCM). Để bảo vệ con đường huyết mạch này, địch đã xây dựng đồn Đức Lập tại ngã tư Đức Lập (nay thuộc xã Đức Lập Thượng) và bố trí lực lượng tinh nhuệ dọc theo Tỉnh lộ 8A (nay là Đường tỉnh 823) nhằm thực hiện âm mưu bình định. Chính vì thế, đánh đồn Đức Lập là mục tiêu quan trọng của lực lượng vũ trang ta lúc bấy giờ. Cựu chiến binh Võ Văn Cứ (ấp Đức Ngãi 2, xã Đức Lập Thượng) từng có mặt trong 3 trận đánh đồn Đức Lập, kể: “Tôi tham gia cách mạng năm 1964, làm du kích địa phương, đến năm 1965 thì tham gia đánh trận Đức Lập với vai trò dẫn đường. Trận nào cũng có trinh sát nghiên cứu địa bàn kỹ lưỡng. Ban đầu, chúng tôi dẫn đường cho trinh sát, sau đó dẫn đường cho bộ đội tấn công đồn. Cả 3 trận đều xuất phát vào ban đêm. Chiều, sau khi cơm nước xong, chờ tối khuất mặt người thì xuất phát tới điểm ém quân. Chờ nhận hiệu lệnh thì tấn công”.
Bia chiến thắng trận đánh đồn Đức Lập tại sân Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A
Ba trận tấn công đồn Đức Lập lần lượt diễn ra vào rạng 29/9/1965, đêm 27/10/1965 và đêm 19 rạng 20/11/1965. Trận nào ta cũng chiến thắng vẻ vang. Trong trận Đức Lập 1, lực lượng ta nổ súng tấn công địch với phương châm “Bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, diệt gọn”, bố trí lực lượng khóa chặt các ngả đường dẫn đến Đức Lập. Chỉ trong 45 phút chiến đấu, ta diệt gọn Tiểu đoàn 33 Biệt động quân (trong đó có 3 cố vấn Mỹ), thu nhiều chiến lợi phẩm. Trận đánh Đức Lập 2, ta chia làm 6 cánh quân bí mật đến vị trí tập kết theo kế hoạch và đồng loạt nổ súng tấn công địch vào 0 giờ 30 phút ngày 27/10/1965. Sau 3 giờ chiến đấu, 6 cánh quân của ta đã chiếm lĩnh trận địa, phá hủy đồn bót, tiêu diệt hơn 500 tên địch (trong đó có 1 tiểu đoàn trưởng, 1 tiểu đoàn phó, 3 cố vấn Mỹ). Trận Đức Lập 2 cũng được xem là chiến thắng tiêu biểu và điển hình nhất của bộ đội ta trong 3 lần đánh Đức Lập. Trong trận Đức Lập 3, đêm 19 rạng 20/11/1965, lực lượng ta tiếp tục tấn công đồn Đức Lập, chiếm đồn và giải phóng xã Đức Lập.
Vậy là chỉ trong vòng 2 tháng, ta đã 3 lần tấn công đồn Đức Lập, tiêu diệt 3 tiểu đoàn, 5 đại đội, 6 trung đội với khoảng 1.800 tên địch, bắn cháy 1 máy bay, 3 xe M113, 9 xe GMC, thu nhiều chiến lợi phẩm. Cựu chiến binh Võ Văn Cứ kể về khí thế bộ đội ta ngày đó: “Hồi đó, mọi người không biết sợ điều gì. Biết trước các trận công đồn sẽ rất ác liệt, trước khi tham chiến, đơn vị tổ chức lễ truy điệu cho anh em. Sau khi giao chiến, lực lượng ta cố gắng đưa anh em mất, bị thương ra khỏi chiến trường. Tình đồng đội keo sơn là vậy!”.
Những chiến công của 3 lần công đồn Đức Lập ngày nay còn ghi lại tại bia Chiến thắng trong khuôn viên Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A - một địa điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa và hiệu quả tại địa phương. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A - Nguyễn Chí Thanh cho biết, nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh của trường thông qua bia chiến thắng để các em biết về những ngày tháng hào hùng của cha anh. Vào các ngày lễ quan trọng, Đoàn Thanh niên và chính quyền địa phương thường xuyên đến thắp hương tưởng niệm tại bia.
Một số người lớn tuổi kể lại rằng, vị trí dựng bia cách đồn Đức Lập xưa không xa. Nơi từng là địa điểm đóng quân của kẻ thù giờ đây là khu chợ đông đúc và trường học khang trang. Cuộc sống mới đã hồi sinh ngay trên nền đồn giặc năm xưa!./.
Quế Lâm