10 ngày trên biển, được đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gặp gỡ những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 tuy không phải thời gian quá dài nhưng trong lòng chúng tôi - 20 thành viên của Đoàn công tác tỉnh Long An mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ đây, trong trái tim của chúng tôi sẽ có hương vị mặn mòi của biển cả, của Trường Sa!
Thủy thủ tàu KN290 vận chuyển quà vào tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông
Vượt lên trên mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những tán bàng vuông, những cây phong ba, phi lao, muống biển và đủ loại rau xanh có sức sống mãnh liệt, phát triển xanh tốt đúng như tên gọi của đảo Sinh Tồn!
Màu xanh giữa biển khơi
Chúng tôi đến thăm đảo Sinh Tồn Đông giữa lúc nắng gắt đầu giờ chiều. Những cơn gió mang theo hơi mặn của biển phả thẳng vào khuôn mặt từng khiến ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Từ khoảng cách chừng 500m, nơi chiếc tàu KN290 thả neo để chuẩn bị đưa chúng tôi lên đảo, đảo Sinh Tồn Đông như một mảng xanh lớn giữa biển, làm dịu đi cái nắng oi bức giữa biển khơi.
Cũng giống như cái tên của đảo - Sinh Tồn Đông, cỏ cây nơi đây có sức sống mãnh liệt. Từ cầu tàu, con đường bêtông dẫn về nhà trung tâm đảo rợp bóng của những hàng phi lao xanh tốt, những tán bàng vuông, phong ba. Tất cả đều được vun trồng bằng công sức, mồ hôi của những người lính đảo. Đảo Sinh Tồn Đông cũng là 1 trong số 3 đảo nổi đoàn chúng tôi ghé thăm trong hành trình Trường Sa lần này. Theo cán bộ, chiến sĩ nơi đây, đảo Sinh Tồn Đông có thời tiết rất khắc nghiệt, thổ nhưỡng trên đảo chỉ có cát và san hô, chỉ phù hợp với một số ít loại cây trồng nhưng đến nay, đảo đã được phủ một màu xanh mướt. Phó Chỉ huy đảo Sinh Tồn Đông - Thiếu tá Phạm Văn Thạo cho biết: “Ngoài việc trồng cây xanh, tạo bóng mát, cảnh quan trên đảo thì đến nay, rau xanh, thịt gia súc, gia cầm được cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất đưa vào bữa ăn hàng ngày.
Dù việc tăng gia sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng đàn heo trên đảo lên tới 20 con, hơn 120 con gà cùng đủ loại rau như cải xanh, mồng tơi, bầu, bí, mướp,…”. Vừa cầm xô nước tắm tận dụng lại, chiến sĩ Vũ Ngọc Anh Thao cẩn thận, chắt chiu từng giọt nước tưới cho những luống cải xanh.Cách đó, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cũng đang tỉa từng bẹ cải xanh, hái lá mồng tơi để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Theo chiến sĩ Vũ Ngọc Anh Thao, dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trên đảo không có giếng nước ngọt nhưng từ việc sử dụng nước tiết kiệm của cán bộ, chiến sĩ, những luống rau, giàn bầu, giàn mướp vẫn đầy sức sống, phát triển xanh tốt. Theo Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn Đông, riêng trong năm 2018, đảo tăng gia được hơn 4.000kg rau xanh, hơn 1.200kg cá và hơn 1.000kg thịt các loại, ước đạt giá trị khoảng 120 triệu đồng.
Và minh chứng rõ nét nhất cho sức sống mãnh liệt trên đảo Sinh Tồn Đông chính là sức mạnh tinh thần của những người lính đảo. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, hơn 40 năm qua, những người lính làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn Đông vẫn vững vàng tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để đảo Sinh Tồn Đông mãi là lá chắn thép giữa trùng khơi.
Giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác dưới tán bàng vuông đảo Sinh Tồn Đông
Lá chắn thép giữa trùng khơi
Đảo Sinh Tồn Đông cách bán đảo Cam Ranh 326 hải lý, nằm ở 9054’18” vĩ độ Bắc, 114033’42” kinh độ Đông; cách đảo Sinh Tồn 15 hải lý về phía Đông. Đảo chạy dài theo hướng Bắc - Tây Bắc và Nam - Đông Nam, có diện tích khoảng 15.000m2, mặt đảo là cát, san hô. Đầu tháng 3-1978, tình hình quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, Philippin đưa máy bay, tàu, thuyền liên tục hoạt động xâm phạm vùng trời, vùng biển, trinh sát các đảo của ta; còn Trung Quốc cũng không ngừng dã tâm độc chiếm biển Đông. Trước tình hình đó, chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 15-3-1978, tàu 679 thuộc Đoàn 128 đưa lực lượng Đoàn 2 do đồng chí Ngô Sỹ Ta - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 146 và đồng chí Võ Xuân Triều - Phó phòng Quân báo Quân chủng Hải quân, chỉ huy cùng 15 cán bộ, chiến sĩ ra đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông. Đúng 11 giờ, ngày 17/3/1978, ta hoàn thành nhiệm vụ đóng giữ đảo.
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ của ta tại quần đảo Trường Sa. Đảo nằm gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép xen kẽ, trong đó, đảo cách bãi Huy Gơ do Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 gần 8km và cách bãi Ba Đầu khoảng 14km, do đó, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện có. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Trung - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, qua kiểm tra công tác của các đoàn Bộ Quốc phòng, Quân chủng Vùng 4, Lữ đoàn đều đánh giá đảo đạt loại khá và giỏi. Với nhiều thành tích, năm 1982, đảo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; các năm 1981, 1982, 1992, 1995, 2002 đến 2006 và 2011 được Bộ Tư lệnh Hải quân công nhận Đơn vị Quyết thắng; các năm 2000, 2001, 2007 được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng nhiều bằng khen, giấy khen; trong các đợt kiểm tra, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn được đánh giá tốt về công tác sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như sự ủng hộ của nhân dân, nhiều công trình trên đảo được xây dựng, nhà ở, nơi làm việc trên đảo được xây dựng khang trang, vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Được tận mắt chứng kiến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, Mục sư Bùi Tấn Hải, Giáo hội Báp tít Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Trước đây, bản thân tôi chỉ biết đến Trường Sa qua phương tiện thông tin, truyền thông. Những ngày qua, được trực tiếp đặt chân lên đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, bản thân tôi rất cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính Trường Sa trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với tấm lòng của một mục sư, tôi sẽ luôn cầu nguyện cho các chiến sĩ có sức khỏe, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau chuyến đi này, tôi sẽ về nói với các tín hữu thuộc giáo hội cũng như những người tôi gặp gỡ những điều bản thân tôi mắt thấy, tai nghe. Và chắc chắn, tôi sẽ kêu gọi những tín hữu trong giáo hội chung tay xây dựng để Tổ quốc tươi đẹp hơn”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Trung - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ toàn đảo luôn quyết tâm, đoàn kết giữa ý chí và hành động, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và chúng tôi cũng như tất cả thành viên trong đoàn đều có niềm tin tuyệt đối rằng đảo Sinh Tồn Đông sẽ mãi trường tồn để khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam như chính ý nghĩa tên gọi của đảo./.
(còn tiếp)
Bài 4: Tiên Nữ - Đảo cực Đông của Tổ quốc
Kiên Định