Tiếng Việt | English

13/08/2019 - 11:05

Hành trình “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc”

Bài 4: Tiên Nữ - đảo cực Đông của Tổ quốc

10 ngày trên biển, được đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gặp gỡ những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 tuy không phải thời gian quá dài nhưng trong lòng chúng tôi - 20 thành viên của đoàn công tác tỉnh Long An mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ đây, trong trái tim của chúng tôi sẽ có hương vị mặn mòi của biển cả, của Trường Sa!

Đảo Tiên Nữ - đảo cực Đông của Tổ quốc

Đảo Tiên Nữ - đảo cực Đông của Tổ quốc

Cách đất liền 374 hải lý, đảo Tiên Nữ là đảo cực Đông của Tổ quốc và cũng là nơi đón ánh bình minh sớm nhất. Vừa mang trong mình vẻ đẹp hiền hòa của những rặng san hô dưới làn nước trong xanh, đảo Tiên Nữ còn có vị trí vô cùng quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc.

Nơi đón ánh bình minh sớm nhất

Trong hải trình đến với Trường Sa, Tiên Nữ là 1 trong số 8 đảo đoàn chúng tôi may mắn được ghé thăm. Trước khi đặt chân lên đảo, nhiều thành viên trong đoàn công tác nói vui với nhau: “Chắc đảo đẹp như nàng tiên nên mới có tên là Tiên Nữ”. Lời khẳng định của một thủy thủ đoàn: “Chắc chắn mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên về vẻ đẹp của đảo” lại càng khiến chúng tôi háo hức.

Tàu KN290 thả neo sau một đêm dài hành trình trước đảo Tiên Nữ. Mặc dù chưa đến 5 giờ sáng nhưng những tia nắng ấm áp đầu tiên đã rọi đến boong tàu. Các thành viên trong đoàn chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về một ngày mới lại bắt đầu sớm như thế. Giải đáp thắc mắc ấy, Thuyền trưởng tàu KN290 - Quách Hữu Quang cho biết, đảo Tiên Nữ chính là đảo cực Đông, do đó, đây cũng là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước và sớm hơn trong đất liền khoảng 1 giờ đồng hồ.

Đảo Tiên Nữ cách bán đảo Cam Ranh khoảng 374 hải lý, nằm ở vị trí 8051’18” vĩ độ Bắc, 114039’18” độ kinh Đông, cách đảo Tốc Tan 35 hải lý về phía Đông. Bãi đá Tiên Nữ có chiều dài khoảng 6,5km, chiều rộng nhất khoảng 2,8km, có độ cao trung bình 0,3m so với mực nước biển. Trong bãi đá Tiên Nữ có lòng hồ dài 7,5km, chiều rộng 3,4km. Bãi đá Tiên Nữ là một vành đai san hô khép kín, khi thủy triều xuống còn 0,7m thì bắt đầu có những gò san hô nổi lên, tập trung nhiều ở phía Bắc và Đông Bắc của bãi; khi thủy triều xuống còn 0,1m thì toàn bộ phía ngoài có thể lội bộ đi xung quanh được, thềm san hô xung quanh đảo có chiều rộng từ 300-500m. Đảo Tiên Nữ mang đậm dấu ấn thời tiết, khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, trên đảo không có mưa; mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 1 năm sau, ngày nào cũng có mưa, có ngày lượng mưa đo được lên đến 300mm, giông tố thất thường. Trong một ngày nắng đẹp, từ trên nhà lâu bền trên đảo, chúng tôi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của bãi đá Tiên Nữ với những rặng san hô hiện lên dưới làn nước trong xanh kết lại thành một vòng cung tuyệt đẹp như chính cái tên của đảo.

Theo cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo Tiên Nữ, cái tên Tiên Nữ là do những ngư dân đặt từ xa xưa gắn với truyền thuyết về một nàng tiên hóa thân mình che chở cho ngư dân trong những chuyến ra khơi. Từ thời xa xưa, vùng biển này thường có sóng to, gió lớn, những chiếc thuyền nhỏ bé của ngư dân không đủ sức chống chọi với giông tố biển khơi. Chính vì thế, một nàng tiên nữ đã hóa thân thành bãi đá che chở cho ngư dân và trở thành nơi tránh trú mỗi khi trời nổi giông bão, cũng vì thế, người ta đặt tên cho bãi đá này là đá Tiên Nữ.

Vững vàng nơi tiền tiêu của Tổ quốc

Là đảo cực Đông của Tổ quốc nên đảo Tiên Nữ có vị trí chiến lược, đảm nhận nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu đầu tiên từ xa tới và cùng các đảo trong quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn sườn phía Đông bảo vệ Tổ quốc.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tháng 7/1988, Binh chủng Hải quân Việt Nam đã ra xây dựng đảo. Hiện nay, đảo được xây dựng nhà kiên cố vững chắc có hệ thống năng lượng sạch, trang bị đầu thu phát sóng truyền hình cũng như sách, báo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CBCS trên đảo. Đại úy Võ Mạnh Tuấn - Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, cho biết: “Với vị trí chiến lược, CBCS trên đảo Tiên Nữ luôn nêu cao ý thức, duy trì, thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; kịp thời phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển, xử lý đúng đối sách. Mặc dù là đảo cực Đông của Tổ quốc, xa đất liền nhưng CBCS trước khi ra nhận nhiệm vụ đã xác định rõ tư tưởng, yên tâm công tác, chung sức xây dựng, cống hiến, thực hiện chức trách với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Với những cố gắng của CBCS qua các thời kỳ tại đảo Tiên Nữ đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cũng như đánh giá đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngoài công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, những năm qua, đảo Tiên Nữ còn là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển. Theo Đại úy Võ Mạnh Tuấn, khu vực vùng biển quanh đảo Tiên Nữ có nhiều loại hải sản quý hiếm như cá ngừ đại dương, cá mú, tôm hùm, rùa biển, bào ngư dễ đánh bắt, khai thác, cũng vì thế, đây là ngư trường khá nhộn nhịp của ngư dân các tỉnh miền Nam Trung bộ. “CBCS trên đảo luôn quán triệt nhiệm vụ, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Năm 2018, đảo giúp đỡ, hỗ trợ 92 lượt ngư dân, đặc biệt, đảo cứu hộ thành công 1 tàu cá với 15 ngư dân gặp nạn trên vùng biển do đảo quản lý; hỗ trợ ngư dân trên 1.200 lít nước ngọt và các loại nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2019, đảo tổ chức hỗ trợ 51 lượt ngư dân tham gia đánh bắt hải sản tại vùng biển. Đó cũng là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người lính Trường Sa đối với ngư dân, tăng cường thêm mối quan hệ gắn bó quân - dân nơi đầu sóng, ngọn gió” - Đại úy Võ Mạnh Tuấn - Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, cho biết./.

(còn tiếp)

Bài 5:  Đảo Núi Le: Vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ

Kiên Định

Chia sẻ bài viết