Đảo Đá Lát
Vẻ đẹp đảo Đá Lát
5 giờ sáng, đoàn chúng tôi được báo thức sau 1 đêm dài hành trình. Tàu vừa thả neo gần đảo Đá Lát. Sáng nay biển êm, trời trong xanh, những cơn gió nhẹ khiến khung cảnh bình minh trên biển nên thơ. Như thường lệ, mỗi sáng, nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi lại lên boong tàu để ngắm nhìn biển trời quê hương. Phía bên phải mạn tàu, đảo Đá Lát hiện lên thật đẹp. Trong suốt hành trình, đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một khung cảnh nhộn nhịp đến vậy. Xung quanh đảo Đá Lát, hơn 50 chiếc thuyền đánh cá chủ yếu của các tỉnh miền Trung neo đậu sau một đêm dài đánh bắt hải sản. Sự xuất hiện của những con tàu cá, ngư dân cho chúng tôi một cảm giác bình yên đến lạ. Chắc có lẽ sau ánh mặt trời đầu tiên chiếu rọi trên đảo Tiên Nữ thì khung cảnh này là đẹp nhất trong chuyến hải trình.
Theo thuyền trưởng tàu KN290 - Quách Hữu Quang, đảo Đá Lát là đảo gần đất liền nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cũng vì thế, đây là nơi neo đậu của nhiều tàu, thuyền và là khu vực nhộn nhịp nhất trên ngư trường Trường Sa. 7 giờ sáng, sau bữa cơm, tuy chưa đến giờ vào đảo nhưng một số thành viên trong số chúng tôi vai đã mang nặng hành lý, áo phao được mặc sẵn vào người. Các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh Long An còn chuẩn bị sẵn những món quà quê như mắm tôm chà, cốm ngò…, để dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo. Dưới xuồng, từng phần quà tặng của các đoàn cũng được thủy thủ đoàn bắt đầu vận chuyển vào đảo.
Đảo Đá Lát cách bán đảo Cam Ranh 220 hải lý, nằm ở vị trí 8040’42” vĩ độ Bắc, 111040’12” độ kinh Đông, cách đảo Trường Sa 14 hải lý về phía Tây. Thực hiện nhiệm vụ CQ88, 9 giờ 30 phút ngày 05/02/1988, trước sự chỉ huy của Đại tá Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy tàu HQ611 và HQ712, đã đến Đá Lát triển khai lực lượng công binh làm nhà cao chân trên đảo. Với tinh thần khẩn trương, đến ngày 20/02/1988, CBCS đã xây dựng xong nhà cao chân trên bãi Đá Lát và bàn giao cho CBCS bảo vệ đảo. Năm 1991, Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam xây dựng trên đảo Đá Lát ngọn hải đăng. Từ đó, hình ảnh chiến sĩ Hải quân và ngọn hải đăng Đá Lát hòa quyện vào nhau bảo vệ sự bình yên cho các con tàu Việt Nam và bạn bè thế giới, bảo vệ sự bình yên của biển trời Tổ quốc.
Bảo vệ bình yên cho ngư dân vươn khơi bám biển
Theo Thượng úy Nguyễn Trần Giang - Chính trị viên đảo Đá Lát, với đặc điểm tự nhiên tại đảo có rạn san hô dài và rộng cùng lòng hồ, hàng năm, khu vực quanh đảo có hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, do đó, ngư dân thường neo đậu tàu, thuyền quanh đảo. Những chuyến đi biển dài ngày, thiếu thốn nhu yếu phẩm, nước ngọt sinh hoạt, CBCS đều hỗ trợ hết mình cho ngư dân. Thậm chí, nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn, ốm đau đều được đảo tổ chức thăm, khám bệnh và cấp thuốc.
“Chúng tôi biết rằng, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc thì việc bảo vệ ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa cũng là nhiệm vụ quan trọng. Chính sự xuất hiện của ngư dân trên ngư trường càng khẳng định thêm về chủ quyền biển, đảo cũng như xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Và đặc biệt hơn khi qua những cuộc trò chuyện cùng ngư dân, chúng tôi cảm nhận được tình cảm sâu đậm của ngư dân với anh em chiến sĩ Hải quân” - Thượng úy Nguyễn Trần Giang cho biết.
Những chiếc thuyền của ngư dân neo đậu gần đảo Đá Lát sau một đêm đánh bắt hải sản Đảo Đá Lát
Theo số liệu ghi chép trên đảo, trong năm 2018, đảo Đá Lát tổ chức giúp đỡ 1.683 lượt ngư dân ghé đảo xác nhận cũng như khám bệnh trong quá trình đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa. 4 tháng đầu năm 2019, đảo cũng tổ chức hỗ trợ hơn 500 lượt ngư dân. Cùng với đó, năm 1991, Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam đã xây dựng trên đảo Đá Lát ngọn hải đăng để giúp ngư dân và các tàu bè qua lại quanh khu vực thuận lợi hơn trong những chuyến hải trình.
Anh Bùi Văn Sơn - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Lát, cho biết cơ duyên làm việc tại quần đảo Trường Sa cũng thật tình cờ. “Khi ấy là tháng 5/1996, tôi nhận quyết định điều động lên đường ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Dù có chút lưu luyến khi vợ mới sinh con đầu lòng được 9 tháng nhưng vì nhiệm vụ, tuổi trẻ, tôi quyết tâm lên đường. Công việc trên các ngọn hải đăng vun đắp tình yêu với biển, đảo trong tôi. Chẳng biết tự bao giờ, nó đã thấm dần vào trong máu. Đến nay, qua hơn 20 năm trên cả 9 trạm hải đăng được đặt tại vùng biển Trường Sa đều có dấu chân tôi. Thực sự, làm việc tại các trạm hải đăng tuy xa đất liền, có lúc nhớ quê hương, gia đình nhưng mỗi dịp về phép, xa anh em, xa bà con ngư dân, tự nhiên tôi lại thấy nhớ biển, nhớ ngọn hải đăng. Đó đã là một phần cuộc sống trong tôi” - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Lát - Bùi Văn Sơn cho biết.
Những việc làm bình dị của CBCS đảo Đá Lát và những người giữ đèn trên biển Đông tạo thêm động lực giúp ngư dân ấm lòng, tin tưởng hơn, ngày đêm bám biển, bám ngư trường cũng như phối hợp các lực lượng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
(còn tiếp)
Bài 9: Đảo Trường Sa - Trái tim của biển, đảo Việt Nam
Kiên Định