Tác giả hát bài “Mùa hè xanh” cùng với sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành. (Ảnh: Tỉnh đoàn)
Lời bài ca cổ được lấy cảm hứng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, qua nghe những câu chuyện về Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tiền thân là Chiến dịch Mùa hè xanh) cũng như khi được gặp gỡ, giao lưu với quý cô chú nguyên là lãnh đạo tỉnh, quý thầy cô các trường có sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch tại tỉnh Bến Tre về những ngày đầu tiên của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè.
Bài ca cổ được sự phối hợp trình bày của nghệ sĩ Quốc Quang, nghệ sĩ Quế Hương cùng các nghệ sĩ đờn thuộc Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre.
Bài ca cổ “25 năm màu xanh tình nguyện” là tác phẩm mới được tác giả sáng tác, ca ngợi những chiến sĩ, thanh niên tình nguyện tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, nêu lên ý nghĩa và giá trị làm lợi và giá trị nhân văn qua 25 mùa chiến dịch. Sau đây xin giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc.
Bài ca cổ: 25 năm màu xanh tình nguyện
Hò
Hò… hơ… Thương sao chiến sĩ hè xanh
Khắp nơi hội tụ góp xanh xứ Dừa
Như ong chăm chỉ say sưa
Dân tin, dân nhớ…
Hò hơ… dân tin dân nhớ… quê Dừa lưu danh
Cao phi
Ơi mùa hè xanh, thắm nghĩa tình chiến sĩ đồng bào
Dạt dào niềm tin, đi dân nhớ ở dân thương
Tuổi trẻ đẹp nhất, một thời thanh niên đầy nhiệt huyết
Khơi dậy tinh thần, yêu thương nhân ái nghĩa tình quân dân
Xây dựng những công trình, nông thôn mới đẹp giàu quê hương
Câu 1
Mùa hè xanh! Tiếng gọi thân thương đã thúc giục bao lớp thanh niên hăng hái lên đường tham gia chiến dịch. Lan tỏa yêu thương, luyện rèn nhân cách sống, cống hiến tuổi xuân theo từng nhịp bước quân... hành
Ý Đảng tình dân trên dưới một lòng
Những chiến sĩ áo xanh đến từ thành phố mang tên Bác
Cùng với thanh niên xứ Dừa góp phần làm cuộc Đồng Khởi mới trên quê hương
Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre
Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về
Những con đường bùn đất thôn quê
Giờ đã phẳng lì bê tông khắp chốn…
Câu 2
Tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống
Bao lớp thanh niên mang dòng máu Lạc… hồng
Hăng hái xung phong, tình nguyện lên đường
Hành trang là chiếc ba lô đã bạc màu theo năm tháng
Cùng trái tim hồng đầy nhiệt huyết tuổi đôi mươi
Xây dựng những chiếc cầu nối nhịp bờ quê
Khám chữa bệnh cho dân, tuyên truyền pháp luật…
Để mọi người cùng nâng cao nhận thức
Bảo vệ môi trường, xây nông thôn mới văn... minh…
Nói lối
Còn biết bao việc làm ý nghĩa của thanh niên
Những chiến sĩ mùa hè xanh trong mỗi mùa Chiến dịch
Thăm hỏi quan tâm từng gia đình chính sách
Chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng
Chuyển đổi số tiên phong…
Lý đêm trăng
Lòng đầy hân… hoan, đi đắp xây nhiều niềm vui mới
Đến Ba Tri, nặng mang nghĩa tình
Về Giồng Trôm, vấn vương bóng hình
Tiếng em thơ, trong đêm hè dạt dào hồn quê
Nhớ thương câu hò, chiều buông Thạnh Phú
Về Mỏ Cày Nam sao luyến lưu Mỏ Cày Bắc
Mến yêu sao Bình Đại, Châu Thành
Chợ Lách ơi! Vấn vương bao tình
Thành phố Bến Tre! Khắc sâu tim mình!
Câu 5
Hai mươi lăm năm đã trôi qua những dấu ấn của Chiến dịch Mùa hè xanh luôn khắc ghi bao hình ảnh đẹp. Là tấm lòng của bà con xứ sở của những người chị người anh đã quan tâm chăm sóc người chiến sĩ áo xanh trong những lúc xa… nhà
Gần gũi, thân quen tha thiết đậm đà
Các mẹ các anh chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ
Lo lắng trăm bề khi có chiến sĩ bệnh tật ốm đau
Làm sao quên công sức hộ nuôi quân
Sống gần gũi, yêu thương như con cháu
Ở dân thương, đi dân nhớ, làm dân tin
Là phương châm nhắc nhớ bên mình
Câu 6
Hai mươi lăm năm biết bao ký ức
Nhiều tấm gương tiêu biểu, kiên cường
Có những người đã trở thành dâu, thành rể
Của quê hương xứ dừa, là câu chuyện Mùa hè xanh
Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ
Là hai mươi lăm năm quê Dừa luôn chung thủy với những người chiến sĩ áo xanh
Tự hào truyền thống cha anh
Thanh niên tiếp bước dựng xây quê nhà
Mỗi mùa Chiến dịch đi qua
Quê hương lại xuất hiện nhiều công trình dân sinh thiết thực
Là môi trường luyện rèn, giáo dục
Để tuổi trẻ trưởng thành phụng sự cho quê hương./.
Theo baodongkhoi.vn
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/bai-ca-co-25-nam-mau-xanh-tinh-nguyen-10082024-a133783.html