Tiếng Việt | English

28/10/2020 - 09:03

Bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng

Thời gian qua, các ngành chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2020, tai nạn lao động (TNLĐ) trong sản xuất nói chung và lĩnh vực xây dựng nói riêng vẫn còn xảy ra, làm chết, bị thương một số người, gây thiệt hại khá lớn về tài sản.

Công nhân thi công công trình trụ sở Ngân hàng Sacombank tại phường 6, TP.Tân An trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động. Ảnh: Đỗ Lâm

Tai nạn lao động trong xây dựng còn diễn biến phức tạp​

Giai đoạn 2016-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức huấn luyện, hỗ trợ huấn luyện cho 336 lao động, chủ yếu là người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, Sở tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 115 người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy, nổ như thi công công trình xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất.

Toàn tỉnh hiện có 1.200 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với hơn 25.000 lao động, trong đó có 950 cơ sở với 2.500 lao động (500 lao động nữ) tham gia hoạt động có báo cáo với cơ quan quản lý. Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 9 tháng năm 2020, tình hình TNLĐ trong sản xuất nói chung và lĩnh vực xây dựng nói riêng trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Trong đó, TNLĐ do sập giàn giáo, mất an toàn về điện xảy ra nhiều. Ngoài ra, các tai nạn khác như ngã, rơi từ trên cao, các vật liệu, dụng cụ rơi từ trên cao trúng vào người lao động cũng thường xảy ra. Điều đáng nói, trong quí III-2020, trên địa bàn huyện Đức Hòa và Tân Trụ xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 3 người, bị thương nhiều người, gây thiệt hại khá lớn về tài sản.

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ là người lao động chưa tuân thủ quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chiếm gần 16% số vụ TNLĐ và 15% tổng số người chết. Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn trong lao động chiếm 29% tổng số vụ TNLĐ và 33% tổng số người bị chết do TNLĐ.

Song song đó, hiện nay, tình trạng lao động không có hợp đồng lao động, nhất là trong lĩnh vực xây dựng khá phổ biến. Việc áp dụng và thực hiện biện pháp bảo hộ lao động đối với nhóm đối tượng này khó khăn. Nhiều công trình xây dựng do chậm tiến độ, thiếu nhân công đã thuê mướn lao động phổ thông tại địa phương hoặc các nơi khác để hoàn thành hạng mục đơn giản.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Hiện trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tình trạng xây cất nhà liền kề và chung cư mini khá phức tạp. Sau vụ TNLĐ thương tâm xảy ra ngày 28/8/2020 (chết 2 người, bị thương 5 người), đến nay, chính quyền địa phương, cán bộ LĐ-TB&XH, công chức địa chính - xây dựng xã và cơ quan chức năng tỉnh, huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên lĩnh vực ATVSLĐ.

Tang vật thi công công trình trái phép bị UBND xã Mỹ Hạnh Nam thu hồi

Công chức địa chính - xây dựng xã Mỹ Hạnh Nam - Võ Văn Kéo cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của ngành chức năng và UBND xã, lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra các công trình xây cất trái phép và tịch thu phương tiện, dụng cụ thi công. Tuy nhiên, hiện còn một số nhà thầu không chấp hành pháp luật, cố ý cho công nhân xây cất vi phạm quy định về ATVSLĐ, có trường hợp xây cất ban đêm, nguy cơ xảy ra TNLĐ rất cao”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - Lê Tấn Liễm, trước đây, tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp. Nhờ địa phương chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp chấn chỉnh nên xây dựng trái phép không còn. Đối với các cơ sở xây dựng, sửa chữa nhỏ, UBND xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy 9 tháng năm 2020, tình hình ATVSLĐ được bảo đảm”.

Làm việc trên cao cần được bảo hộ (Trong ảnh: Công nhân thi công hệ thống điện cho một nhà kho ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc)

“Việc xây dựng nhà ở được chúng tôi thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt về ATVSLĐ, bảo đảm an toàn tối đa cho công nhân thi công. Ngoài ra, các đơn vị giám sát và Thanh tra xây dựng cũng thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định về ATVSLĐ” - chỉ huy công trình xây dựng nhà ở sinh thái Trần Anh, phường 6, TP.Tân An - Đỗ Ngọc Thám thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh, thời gian qua, Sở phối hợp Sở Xây dựng, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ đẩy mạnh công tác tập huấn về Luật ATVSLĐ; tăng cường biện pháp kiểm tra, quản lý, giám sát nhằm hạn chế TNLĐ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng; lập biên bản ghi nhận trường hợp vi phạm ATVSLĐ, TNLĐ đối với người làm việc không có hợp đồng lao động.

Hiện nay, để bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng, các cơ quan, ban, ngành, nhất là Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động cho hội viên, người lao động để nâng cao ý thức phòng tránh TNLĐ trong công việc, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Các doanh nghiệp triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng hoạt động tự kiểm tra, phòng ngừa TNLĐ do ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi và đổ sập, tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động.

Trước thực trạng TNLĐ trong xây dựng còn diễn biến khá phức tạp như hiện nay, các đơn vị chức năng, doanh nghiệp và cả người lao động phải nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNLĐ xảy ra./.

Người lao động tự do, khi làm việc chưa sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động

Thời gian qua, tình hình an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức khá tạp. Sở Xây dựng tăng cường phối hợp các ngành liên quan, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nhất là giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động trong thi công công trình xây dựng”.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà

Đầu năm 2020 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động đến người dân, doanh nghiệp nhằm phòng tránh tai nạn lao động. Thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng đến đối tượng là người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.”

Trưởng phòng Lao động việc làm - Giảng dạy nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Châu Công Rỡ

Sau khi được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở sản xuất, thầu xây dựng tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, đặc biệt là sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền những nội dung về trách nhiệm bồi thường khi bị tai nạn lao động, mức hỗ trợ, bồi thường mà người lao động được hưởng khi xảy ra tai nạn lao động, nhất là việc ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động”.

Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc - Đặng Quốc Thái

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích