Tiếng Việt | English

30/10/2020 - 11:38

Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Trong hai ngày 29-30/10, tại TP.Tân An (tỉnh Long An), Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (BVMT LVHTSĐN) phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án BVMT LVHTSĐN giai đoạn 2008-2020 và định hướng giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần; Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Võ Tuấn Nhân chủ trì hội nghị

Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần; Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Võ Tuấn Nhân chủ trì hội nghị.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND, ngành TN&MT 11 tỉnh, thành phố thuộc LVHTSĐN gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận tham dự.

Theo ông Trần Văn Cần, hội nghị lần này là Phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban và cũng là phiên họp cuối của Đề án BVMT LVHTSĐN giai đoạn 2008-2020. Theo chương trình, hội nghị sẽ cùng đánh giá và thảo luận các vấn đề trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án BVMT LVHTSĐN theo Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với các tỉnh, thành phố trên LVHTSĐN, tỉnh Long An đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, như: Điều tra, khảo sát, kiểm kê, đánh giá hiện trạng các nguồn khí thải; điều tra, thống kê, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải nước thải vào sông Vàm Cỏ Đông; yêu cầu tất khu, cụm công nghiệp đầu tư hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn; tăng cường công tác quan trắc môi trường nước trên sông; đồng thời ký kết và triển khai Quy chế phối hợp trong công tác quản lý TN&MT với các tỉnh, thành phố giáp ranh;…

Tại các phiên họp trước đây, các tỉnh, thành trên LVHTSĐN đã cùng thống nhất thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại mỗi địa phương để cùng nhau BVMT. Song song với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai quản lý và xử lý các nguồn thải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BVMT luôn được ưu tiên thực hiện với nhiều hình thức, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành thuộc lưu vực vẫn được tiếp tục tăng cường thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống quan trắc chất lượng môi trường, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép khai thác tài nguyên được thực hiện thận trọng và có tầm nhìn chiến lược để cùng bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn; chia sẻ nguồn thông tin về quan trắc liên vùng, chủ động phòng ngừa ứng phó về sự cố môi trường có thể xảy ra.

Theo ôngTrần Văn Cần, Long An tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường

Theo Báo cáo của Văn phòng Ủy ban BVMT LVHTSĐN, thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tham mưu, trình ban hành, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định nhiều nội dung liên quan đến BVMT lưu vực sông.

100% các tỉnh, thành phố trên lưu vực ban hành kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVHTSĐN trên địa bàn và tích cực triển khai kế hoạch được phê duyệt. Các tỉnh, thành phố cũng ban hành nhiều văn bản thực thi, tập trung vào một số vấn đề môi trường nổi cộm, như: Xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt; giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn công nghiệp;...

Công tác kiện toàn hệ thống tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý môi trường lưu vực sông được quan tâm, phối hợp và giải quyết kịp thời; các địa phương ký kết quy chế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính để phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh và khu vực giáp ranh.

Giai đoạn 2008-2020, hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh. Bộ TN&MT đang duy trì, vận hành 9 Trạm quan trắc môi trường nước tự động trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải, thực hiện quan trắc định kỳ môi trường nước LVHTSĐN tại 49 điểm quan trắc.

Song song đó, các địa phương thuộc lưu vực cũng tiến hành các chương trình quan trắc riêng trên địa bàn, bảo đảm lồng ghép, bổ sung tăng dày số liệu nhằm có được bức tranh tổng quan về diễn biến chất lượng nước mặt trên lưu vực sông. Theo kết quả quan trắc cho thấy diễn biến chất lượng nước tại LVHTSĐN những năm gần đây đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tốt hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra tiến hành ở cả cấp Trung ương và địa phương. Trong giai đoạn 2008-2020, Bộ TN&MT thực hiện thanh, kiểm tra 1.553 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 47 tỉ đồng. Tại cấp địa phương, 11 tỉnh/thành phố trên LVSĐN cũng thực hiện thanh, kiểm tra trên 11.200 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 258 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều hoạt động quản lý nhà nước về BVMT LVHTSĐN được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều nghiên cứu, hợp tác quốc tế về lưu vực sông, nhiều dự án, đề tài từ các bộ, ngành, địa phương được xây dựng, triển khai và mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung được tăng cường với nhiều hình thức,...

Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN - Võ Tuấn Nhân đánh giá: Trong các nhiệm kỳ vừa qua, 11 tỉnh, thành phố trên LVHTSĐN có rất nhiều nỗ lực, tích cực triển khai các hoạt động, bước đầu giải quyết ô nhiễm và cải thiện được chất lượng nước thể hiện thông qua kết quả quan trắc môi trường qua các năm.

Công tác thanh tra định kỳ, đột xuất đối với tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề có lưu lượng nước thải lớn được đẩy mạnh, đặc biệt mô hình đoàn công tác liên ngành về BVMT được các tỉnh chú trọng và phát huy hiệu quả. Đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu, đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, cũng như công tác điều tra, thống kê nguồn thải được quan tâm thực hiện. Xây dựng, bổ sung được hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT, trong đó có BVMT nước lưu vực sông. Đồng thời, quan tâm, thúc đẩy giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và lưu vực sông.

Tuy nhiên, ông Võ Tuấn Nhân cũng cho rằng, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, trong quá trình triển khai Đề án còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, hoạt động của Ủy ban BVMT LVHTSĐN còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các thành viên Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm nên một số thành viên chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Ủy ban; cơ chế giám sát, đánh giá của Ủy ban còn hạn chế, bất cập.

Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành, nội thị và ô nhiễm do nước thải sản xuất vẫn diễn biến phức tạp. Việc huy động các nguồn lực tài chính nhằm triển khai các nhiệm vụ, dự án còn khó khăn. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh được cải thiện nhưng còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT vẫn xảy ra, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân,…

Từ việc tổng kết, đánh giá kết quả đạt được giai đoạn 2008-2020, ông Võ Tuấn Nhân hy vọng rằng, lãnh đạo UBND các địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao để duy trì, phát huy các kết quả đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của các tỉnh trên LVHTSĐN.

Trong đó, UBND các địa phương trên LVHTSĐN chưa hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra tại Đề án đến năm 2020, cần khẩn trương tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong thời gian còn lại của năm để cố gắng đạt được mục tiêu của giai đoạn.

Đối với phần nội dung, định hướng triển khai Đề án giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề nghị Văn phòng Ủy ban BVMT LVHTSĐN phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉnh sửa, bổ sung chi tiết, cụ thể trong báo cáo theo hướng đề xuất được các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, mang lại những kết quả thiết thực nhất.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cách thức phối hợp, trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian tới; bảo đảm huy động được sức mạnh, quyết tâm của lãnh đạo UBND của 11 tỉnh, thành phố trên LVHTSĐN.

Ngoài ra, tại hội nghị, đại diện các địa phương đề xuất một số giải pháp để việc BVMT LVHTSĐN giai đoạn tiếp theo phát huy hiệu quả đề ra./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết