Tiếng Việt | English

28/05/2019 - 05:18

Bầu cử EP 2019: Cải tổ chính trị sâu sắc đang diễn ra tại Pháp

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại Pháp đã xác nhận sự đối đầu truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu chính thức biến mất, nhường cho cuộc đấu tay đôi giữa đảng cầm quyền và đảng cực hữu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và đảng cực hữu của bà Marine Le Pen. (Nguồn: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và đảng cực hữu của bà Marine Le Pen. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại Pháp đã xác nhận sự đối đầu truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu chính thức biến mất, nhường chỗ cho cuộc đấu tay đôi giữa đảng cầm quyền của Tổng thống Emmenuel Macron và đảng cực hữu của bà Marine Le Pen.

Các số liệu do Bộ Nội vụ Pháp công bố sáng 27/5 cho thấy, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen dẫn đầu với 23,4% số phiếu, tiếp đó là đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Macron với 22,4% số phiếu. Kết quả này phản ảnh đúng các dự báo trước đó cho thấy xu hướng thắng thế của phe cực hữu Pháp. Đối với bà Le Pen, thắng lợi này được xem như là một "sự phục thù" cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017. Giới quan sát cho rằng việc để thua đối thủ cực hữu một điểm là một thất bại đối với chính ông Macron trên cả 2 bình diện đối nội và đối ngoại. Kết quả này có thể cản trở các tham vọng của Tổng thống Pháp trong các dự án cải cách Liên minh châu Âu (EU).

Là lần bầu cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron, cuộc bầu cử EP 2019 tại Pháp đã mang lại 3 điều bất ngờ. Trước hết là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 51,3%, cao hơn 7 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử EP 2014 và cao hơn nhiều so với dự kiến. Dù chiến dịch vận động tranh cử tại Pháp bắt đầu khá muộn, công dân Pháp rất quan tâm đến các vấn đề của EU, gắn liền với các chủ đề chính của quốc gia trong thời điểm này như chuyển đổi sinh thái, tăng sức mua và quản lý nhập cư.

Thứ hai là số phiếu bầu cho các nhóm ứng cử viên ủng hộ châu Âu tăng cao, vượt trên 4 điểm so với những nhóm theo đường lối hoài nghi, trong bối cảnh lòng tin vào hệ thống chính trị EU đang giảm sút mạnh. Thứ ba là sự trỗi dậy của đảng Xanh để vươn lên vị trí số 3 với 13,5% số phiếu. Người đứng đầu, nhà hoạt động môi trường Yannick Jadot trở thành mối quan tâm hàng đầu của những cử tri trẻ. Ông định hướng phát triển đảng Xanh theo đường lối ''không tả không hữu.'' Ông cũng tự khẳng định là một người ủng hộ châu Âu và sẵn sàng trợ giúp Tổng thống Macron trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc.

Các cử tri Pháp trong ngày 26/5 đã mang đến câu trả lời cho bất cứ ai đang nghi ngờ về một cuộc cải tổ chính trị sâu sắc đang diễn ra trên đất nước hình lục lăng này. Điều này không chỉ tập trung vào các vấn đề bản sắc, khủng hoảng xã hội và sinh thái, mà còn liên quan đến các cấu trúc đảng phái. Sự đối đầu tả - hữu bị thay thế bằng cuộc song đấu giữa phong trào dân túy, dân tộc chủ nghĩa và phe chủ trương tự do, ủng hộ châu Âu.

Thế giới chính trị cũ sụp đổ, một thế giới khác đang xuất hiện, tạo ra những "địa chấn" với cường độ khác nhau. Theo giới quan sát chính trị Pháp, cuộc bầu cử EP 2019 đem đến một bài học: tương lai thuộc về những người đã và sẽ nỗ lực đổi mới chính mình./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết