Sau tai nạn, do không được bên bảo hiểm bồi thường nên ông Lê Văn Tuấn phải bán rẻ ô tô bị nạn - Ảnh: ÁI NHÂN
Đồng thời vấn đề đặt ra là nên xem xét nồng độ cồn "nội sinh" trong tổng thể quy định về chế tài với lái xe.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ mới đây, con gái ông N.V.V. (65 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) rất băn khoăn với việc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt từ chối bồi thường cho cha mình vì nồng độ cồn "nội sinh" trong máu.
Không uống bia, rượu vẫn có cồn trong máu
Theo phản ảnh, chiều 20/8/2022, ông N.V.V. lái xe máy đến tiệm tạp hóa gần nhà để mua đồ ăn thì gặp tai nạn khiến ông bị gãy xương. Ông V. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu vào 15h30 cùng ngày thì nồng độ cồn trong máu là 0,65mg/dl (0,14mmol/l).
Sau đó, ông V. làm hồ sơ yêu cầu Công ty bảo hiểm Bảo Việt bồi thường nhưng bị từ chối do ông V. "điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu là ngoài phạm vi bảo hiểm".
Trong khi theo ông V. và người nhà, trước đó và cả ngày 20/8/2022 ông không hề uống rượu bia. Và nồng độ cồn 0,65mg/dl (tức 0,065g/l) là rất thấp.
"Ba tôi không uống rượu bia nhưng không hiểu sao trong người lại có nồng độ cồn, nồng độ này rất thấp, chỉ 0,065mg/l. Nếu đã uống rượu bia thì chắc chắn nồng độ cồn sẽ phải cao hơn nhiều…" - chị N.H., con gái ông V., nêu ra thắc mắc.
Trước đó, Tuổi Trẻ cũng phản ánh trường hợp ông Lê Văn Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng bị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (PTI) từ chối bồi thường vì viện dẫn điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm "lái xe mà trong máu có nồng độ cồn".
Thời điểm ông Tuấn gặp tai nạn thì kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của ông chỉ có 1,475mg/dl (tức 0,1475g/l). Đáng nói, ông Tuấn được nhiều hàng xóm và bạn bè biết đến là người không uống bia rượu.
Ngạc nhiên về việc mình không uống rượu bia mà lại có nồng độ cồn nên trong tháng 11/2019 ông Tuấn đã đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Hoàn Mỹ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) để làm xét nghiệm nồng độ cồn thì cho ra hai kết quả lần lượt là 0,5mg/dl (0,005g/l) và 0,7mg/dl (0,007g/l).
Dù ông Tuấn đã gửi các chứng cứ chứng minh về việc nồng độ cồn tự nhiên của cơ thể đến công ty bảo hiểm nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối bồi thường.
Tòa án: phải bồi thường
Cũng mua bảo hiểm với Công ty PTI Long An và bị đơn vị này từ chối bồi thường vì kết quả xét nghiệm sau tai nạn của ông Đặng Chí C. (ngụ tỉnh Long An) có nồng độ cồn trong máu là 10,6mmol/l, ông C. và vợ ông đã khởi kiện đòi công ty bảo hiểm bồi thường. Ngày 18/11/2020, ông C. chở vợ trên xe ô tô thì gặp tai nạn do xe mất phanh.
Ngay sau tai nạn, ông C. giữ hiện trường và báo ngay cho PTI Long An đến ghi nhận. Giám định viên yêu cầu ông C. đến ngay Trung tâm y tế huyện nơi xảy ra tai nạn để xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Xét xử vào tháng 3/2022, Tòa án TP Tân An (Long An) đã tuyên buộc PTI phải bồi thường. Bản án cho rằng căn cứ văn bản trả lời của trung tâm y tế về nồng độ cồn trong máu của ông C. là "căn cứ quyết định số 320/QĐ của Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh. Với kết quả xét nghiệm máu của ông C. là dưới 10,9mmol/l, chúng tôi khẳng định không có cơ sở để xác định người đó có sử dụng rượu bia hoặc chất có cồn".
Đồng thời tòa án cũng viện dẫn kết quả hai lần xét nghiệm khác sau tai nạn của ông C. vẫn cho ra kết quả nồng độ cồn trong máu là thấp hơn 10,9mmol/l để làm căn cứ yêu cầu công ty bảo hiểm phải bồi thường chi phí sửa xe ô tô.
Bản án trên của Tòa án TP Tân An (tỉnh Long An) đã được Tòa án nhân dân tối cao công bố trên trang thông tin điện tử của ngành.
"Thời gian qua không ít công ty bảo hiểm viện dẫn vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp có nồng độ cồn trong máu của người lái xe để từ chối bồi thường khi có tai nạn, sự kiện bảo hiểm xảy ra. Vì vậy, bản án được công bố trên của tòa án sẽ có giá trị tham khảo để người dân đi đòi bảo hiểm…", luật sư Bùi Quốc Tuấn trao đổi với Tuổi Trẻ.
CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển xe gắn máy tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Cần thống nhất về nồng độ cồn "nội sinh"
Từ các trường hợp đơn vị bảo hiểm viện dẫn nồng độ cồn trong máu để từ chối bồi thường dù người gặp tai nạn không hề uống rượu bia rõ ràng là chưa thể thuyết phục khi cơ thể có nồng độ cồn "nội sinh".
Bên cạnh đó, dư luận cũng đang băn khoăn về việc cơ quan công an đang áp dụng nghị định 100 (quy định cứ có nồng độ cồn thì bị xử phạt mức thấp nhất). Thực tế này rất cần các cơ quan chức năng thống nhất hướng xử lý trong trường hợp nồng độ cồn "nội sinh".
"Tôi ủng hộ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho mọi người khi tham gia giao thông. Nhưng nếu các đơn vị bảo hiểm dựa vào quy định chỉ cần trong máu có nồng độ cồn, không cần biết là do tự nhiên cơ thể phát sinh hay do uống rượu bia thì các trường hợp như cha tôi rõ là gặp thiệt thòi khi chẳng may gặp sự cố tai nạn", chị N.H. nói.
Tương tự, ông Lê Văn Tuấn cho rằng "nếu không quy định rõ về nồng độ cồn tự nhiên trong máu thì nhiều trường hợp dù không uống rượu bia vẫn bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường oan hoặc cũng có thể xảy ra tranh cãi khi bị CSGT phạt…".
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, cần ủng hộ chủ trương zero nồng độ cồn khi lái xe bởi vì điều này mang lại nhiều lợi ích, kỷ cương cho xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn nồng độ cồn trong máu là cơ sở để xử lý trách nhiệm cũng như ảnh hưởng quyền lợi (bảo hiểm) của người dân nên rất cần bổ sung vào quy định về nồng độ cồn "nội sinh" để tránh các tranh chấp, kiện cáo phát sinh.
"Dư luận vẫn còn nhớ vụ nữ sinh Ninh Thuận sáng sớm đi thi bị quân nhân gây tai nạn tử vong khi đo vẫn có nồng độ cồn "nội sinh" trong máu… Vì vậy rất cần thiết phải quy định rõ về việc này. Ví dụ có thể áp dụng quyết định số 320/QĐ của Bộ Y tế quy định bổ sung về việc loại trừ trách nhiệm của người dân với nồng độ cồn tự nhiên trong máu (thấp hơn 10,9mmol/l) hoặc khí thở thấp…"./.
Nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể được quy định ra sao?
Các chuyên gia về y tế đều khẳng định một người bình thường dù không uống rượu bia đều có nồng độ cồn trong máu ở mức dưới ngưỡng (tức được coi là không có), xuất phát từ việc khi con người ăn uống các loại thức ăn hoặc các loại rau củ quả. Đây là nồng độ cồn "nội sinh" tự nhiên trong cơ thể.
Quy định cụ thể về vấn đề này, tại quyết định số 320 năm 2014 của Bộ Y tế cho rằng trị số bình thường ethanol (nồng độ cồn) trong máu là nhỏ hơn 10,9mmol/l. Theo quy định của Bộ Y tế, đơn vị biểu thị kết quả xét nghiệm được sử dụng là mmol/l hoặc mg/l. Hệ số chuyển đổi là mmol/l x 4,608 = mg/dl hoặc mmol/l x 0,04608 = g/l.
Hiện nay, theo quy định tại nghị định 100/2019, đơn vị được tính đối với nồng độ cồn trong máu để áp dụng hình thức xử phạt là mg/dl, còn đơn vị được tính đối với nồng độ cồn trong khí thở để áp dụng hình thức xử phạt là mg/l.
Nghị định 100 quy định bắt đầu có chế tài phạt tiền đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml (tương đương 50mg/dl) máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở.
Như vậy, theo nghị định 100, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì bị xử phạt. Tuy nhiên để hợp lý và thống nhất nên bổ sung loại trừ chế tài khi nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người lái xe dưới trị số bình thường (nhỏ hơn 10,9mmol/l) theo quy định của Bộ Y tế.
|
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-nong-do-con-noi-sinh-cai-khong-duoc-voi-ben-bao-hiem-202402282301261.htm?gidzl=-zcp82kBP0dtnB0d8fna2Fx9j2KrdsG4w9gqV3tBOGQwahHxPiKo1hJ2u7ermc47jf7dUZNbOUKPBurl3G