Tiếng Việt | English

04/07/2022 - 10:53

Biên đạo múa Phong Nguyễn - Từ người không có định hướng tương lai đến biên đạo múa tài năng

Biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong (Phong Nguyễn), Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, xem việc đến với múa là một cơ duyên đặc biệt giúp anh nhận ra nghệ thuật múa chính là một phần cuộc sống của mình.

Mạch sống là tiết mục duy nhất trong Hội thi múa không chuyên toàn quốc có kết hợp nghệ thuật xiếc vào trong tiết mục. Đó là minh chứng cho sự sáng tạo và táo bạo của biên đạo múa Phong Nguyễn (Ảnh: nvcc)

Khởi đầu chậm trễ

Sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như bạn bè trang lứa, anh khăn gói lên TP.HCM học đại học, chuyên ngành tiếng Nhật. Sau thời gian theo học, anh cảm thấy mình không phù hợp nên xin phép gia đình bảo lưu kết quả đi học nghề nhưng anh vẫn không tìm được niềm vui trong lựa chọn của mình và quyết định từ bỏ thêm lần nữa. Có thể nói, thời điểm đó, chàng trai Nguyễn Thanh Phong chưa có bất kỳ dự định gì chắc chắn cho tương lai, chưa có mục tiêu rõ ràng nào để theo đuổi.

Sẵn có năng khiếu và tình yêu mến nghệ thuật, anh tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Đó cũng là cơ duyên giúp anh bén duyên cùng múa. Càng tham gia, anh càng cảm thấy mình bị thu hút và say mê bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. 25 tuổi, anh biết chính xác con đường tương lai của mình sẽ gắn bó cùng nghệ thuật múa. Anh mạnh dạn thi và đậu vào Trung cấp diễn viên múa, sau đó, tiếp tục học lên đại học ngành Biên đạo múa để hiểu rõ và phát triển hơn nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Vào trường múa lần đầu tiên ở độ tuổi 25, anh Phong gặp không ít khó khăn trong quá trình học, bởi cơ thể không linh hoạt như các bạn trẻ nhưng vì đam mê, anh đặt hết tâm huyết vào việc học và tập luyện. Ngoài tập theo hướng dẫn sát sao của giáo viên trường, anh còn dành nhiều thời gian tự tập. Có lúc, hoàn thành bài tập, anh gần như không thể đứng vững được. Vượt qua những hạn chế về tuổi tác, sức khỏe, anh Phong trở thành một trong những học viên nổi bật của khóa.

Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục cống hiến cho Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Mỗi lần đứng trên sân khấu, anh cảm giác mình hòa quyện vào từng giai điệu, động tác, cơ thể được giải phóng và luôn tràn ngập ý tưởng sáng tạo. Trong quá trình tổ chức các chương trình tại tỉnh, biên đạo múa Phong Nguyễn nhận ra các tiết mục biểu diễn sẽ trở nên sinh động, màu sắc hơn nếu có kết hợp múa. Với mỗi tiết mục biểu diễn, anh đều cố gắng sáng tác bài múa mới, phù hợp về nội dung, đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền theo từng sự kiện nhất định. Để làm được điều đó, đòi hỏi người biên đạo phải biết quan sát, sáng tạo và luôn hết mình cùng công việc. Trong bất cứ chương trình nào, làm tốt phần việc trên sân khấu, biên đạo múa Phong Nguyễn còn chú ý tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, quan sát, cảm nhận đời sống người dân nơi mình tới và lấy đó làm chất liệu cho những sáng tác sau này.

Tình yêu cho sức mạnh

Kinh nghiệm sống, tình yêu và nỗ lực là những yếu tố giúp biên đạo múa Phong Nguyễn thành công trong Hội thi múa không chuyên toàn quốc vừa qua. Chương trình dự thi có tên Đất sử tình người do anh làm biên đạo và đạo diễn. Chương trình gồm 4 tiết mục biểu diễn xoay quanh con người và đặc trưng của Long An. Hình ảnh cụ Đồ Chiểu, thầy Ba Đợi, vườn thanh long trĩu quả,... đi vào từng bài múa một cách nhẹ nhàng, ý nghĩa và vô cùng thu hút. Huy chương Vàng chương trình, 2 Huy chương Vàng tiết mục và 2 Huy chương Bạc tiết mục là đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của anh Phong cũng như cả đoàn tham gia chương trình.

Với biên đạo múa Phong Nguyễn, nghệ thuật múa đã trở thành một phần cuộc sống của anh. (Ảnh: nvcc)

Với biên đạo múa Phong Nguyễn, nghệ thuật múa đã trở thành một phần cuộc sống của anh. (Ảnh: nvcc)

Đặc biệt, trong hội thi, duy nhất đơn vị Long An có tiết mục múa kết hợp với xiếc, một sự phá cách táo bạo và có phần mạo hiểm. Điều đó nhận được sự đánh giá cao từ phía Ban Giám khảo, Ban Tổ chức. Biên đạo múa Phong Nguyễn kể: “Việc kết hợp xiếc vào múa không phải là quá mới, tuy nhiên, điều đó chỉ áp dụng trong các tiết mục biểu diễn, còn để dự thi và phục vụ nhiệm vụ chính trị thì hầu như chưa đơn vị nào dám áp dụng. Trước khi mang tiết mục múa và xiếc đi thi, tôi cũng nhận một số góp ý rằng điều đó không thích hợp, nhưng tôi muốn thử một lần. Nếu không mạnh dạn, sẽ rất khó đổi mới và phát triển”. Tiết mục múa kết hợp xiếc Mạch sống nhận Huy chương Bạc trong hội thi.

Phát huy kết quả đó, khi dàn dựng chương trình dự thi Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII, anh Phong tiếp tục kết hợp xiếc vào tiết mục múa Chuyện của dòng sông và nhận Huy chương Vàng cho tiết mục. Ngoài ra, 2 diễn viên xiếc tham gia trong tiết mục còn được nhận giấy khen Diễn viên tài năng.

Những kết quả đó đều là "trái ngọt" sau quá trình dài nỗ lực của nam biên đạo múa đa tài. Bởi lẽ, do đặc thù của đơn vị trong thời điểm hiện tại, ngoài vai trò là biên đạo múa, anh Phong còn làm cả phần việc của phục trang, đạo cụ và đạo diễn. Từng bộ trang phục diễn viên mặc lên sân khấu đều do tự tay anh thiết kế, thực hiện. Khi đơn vị thiếu vị trí đạo diễn, anh nhận cả vai trò đạo diễn, kiểm tra sự hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, đường dây chương trình,... Một khối lượng công việc không hề nhỏ nhưng với anh, được làm nghĩa là được học và có được niềm vui.

Từ đầu năm 2022 đến nay, khi các hoạt động văn nghệ được khởi động lại, biên đạo múa Phong Nguyễn đã cùng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tham gia 3 cuộc thi lớn cấp quốc gia và cả 3 đều mang về những thắng lợi vẻ vang. Huy chương Vàng cho chương trình và hàng loạt Huy chương Vàng, Bạc cho tiết mục đều có sự góp phần không nhỏ của biên đạo Phong Nguyễn. Anh gọi đó “may mắn được Tổ đãi” nhưng với chúng tôi, đó là kết quả xứng đáng dành cho những nỗ lực không ngừng của anh trong suốt quá trình dốc hết sức mình cho nghề múa./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết