Tiếng Việt | English

29/07/2021 - 15:23

Biến thể Delta đã lọt qua “hàng rào” phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc như thế nào?

Biến thể Delta đã lọt qua "hàng rào phòng thủ" nghiêm ngặt của Trung Quốc và đặt sức ép lên các nhà chức trách trong việc suy nghĩ lại về chiến dịch tiêm vaccine ở nước này.

Một đợt Covid-19 bùng phát gần đây bắt đầu tại một sân bay ở thành phố Nam Kinh thuộc phía đông Trung Quốc đang thách thức những biện pháp phòng dịch mạnh mẽ nhất của nước này với sự gia tăng hàng chục ca mỗi ngày, bất chấp hệ thống xét nghiệm hàng loạt và cách ly được tổ chức bài bản.


Các nhà chức trách Trung Quốc xác nhận rằng đợt bùng phát Covid-19 mới do biến thể Delta gây ra. Ảnh: Reuters

Ổ dịch mới ở Trung Quốc bắt đầu sau khi 9 nhân viên làm việc ở sân bay của thành phố Nam Kinh được phát hiện mắc Covid-19 ngày 20/7 trong một đợt xét nghiệm thường xuyên. Chùm ca mắc này nhanh chóng lan rộng ra những người tiếp xúc gần với họ và sau đó là một số địa điểm khác, dẫn đến hơn 150 ca mắc mới được ghi nhận ngày 28/7. Đây là một trong những đợt bùng phát lớn nhất của Trung Quốc kể từ làn sóng dịch bệnh vào mùa đông ở khu vực đông bắc với hơn 2.000 ca.

Các nhà chức trách Trung Quốc xác nhận rằng đợt bùng phát mới này do biến thể Delta gây ra - thủ phạm cho sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới hiện nay. Biến thể dễ lây nhiễm này đang cho thấy hạn chế của chiến lược "Không Covid" được một số chính phủ thực hiện từ Trung Quốc tới Australia. Biến thể mới đã lọt qua "hàng rào phòng thủ" nghiêm ngặt của Trung Quốc trong việc cách ly những người đến từ nước ngoài và tạo ra thách thức cho quốc gia này trong việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc diện rộng.

Nhiều người mắc bệnh, trong đó có các nhân viên ở sân bay Nam Kinh đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ và chỉ có 4 người mắc bệnh nặng, dữ liệu chính thức cho hay. Dù vậy, số ca mắc này cho thấy miễn dịch được tạo ra bởi vaccine Trung Quốc, dù ngăn được các ca bệnh trở nặng hoặc tử vong, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lan rộng của các biến thể.

Hiệu quả của vaccine Trung Quốc trong việc ngăn chặn các triệu chứng của Covid-19 dao động từ 50 - 80%, thấp hơn con số hơn 90% từ vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Các quốc gia như Thái Lan và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), ban đầu dựa vào vaccine Trung Quốc, đã quyết định bổ sung các mũi tiêm mới cho những người được tiêm vaccine đầy đủ với hy vọng sẽ cung cấp sự bảo vệ hiệu quả hơn trước biến thể Delta. Trên toàn cầu, biến thể Delta đã buộc Mỹ phải ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trì hoãn sự mở cửa trở lại của Singapore và đặt những thành phố của Australia dưới lệnh phong tỏa.

Trung Quốc cũng chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn kể từ đầu năm nay khi các biến thể từ những điểm nóng trên thế giới lợi dụng kẽ hở trong hàng rào bảo vệ như việc khử trùng không kỹ cho các nhân viên làm việc trong môi trường có rủi ro phơi nhiễm cao tại sân bay và các trung tâm hàng hóa.

Các đợt bùng phát này cũng đặt sức ép lên các nhà chức trách trong việc suy nghĩ lại về chiến dịch tiêm vaccine của Trung Quốc để bổ sung thêm mũi tiêm. Chỉ còn 1 tháng nữa, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi cho 75% dân số.

Sinovac Biotech Ltd, nhà sản xuất vaccine là "xương sống" cho chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc, cho biết hôm 28/7 rằng mũi tiêm thứ 3 có thể tăng lượng kháng thể từ 3 - 5 lần.

Hồi tháng 4, Bloomberg đưa tin, Trung Quốc dự kiến sẽ thông qua vaccine của Pfizer/BioNTech. Mũi vaccine này có thể được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch cho những người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Trung Quốc./.

Kiều Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích