Tiếng Việt | English

13/05/2018 - 00:55

Bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đẩy quan hệ với châu Âu vào khủng hoảng?

Quyết định của Mỹ không chỉ làm gia tăng nguy cơ của một cuộc chiến mới tại Trung Đông mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015.

Bão tố bao quanh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: DPA

Ngay sau quyết định của Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, châu Âu đã có sự phản ứng rõ rệt. Các nhà lãnh đạo Pháp gọi đây là một quyết định sai lầm, trong khi Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh, đây là kết quả của 12 năm đàm phán và kết quả này thuộc về toàn bộ cộng đồng quốc tế. EU cam kết vững chắc sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng, châu Âu không thể dựa mãi vào Mỹ mà phải tự quyết định cho số phận của mình.

Điều đáng nói là việc Mỹ “dứt áo” rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sau những nỗ lực không mệt mỏi của các quốc gia châu Âu, trong đó, Pháp, Đức và Anh cố cứu vãn và thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell còn yêu cầu các công ty Đức ngay lập tức rút qui mô hoạt động tại Iran. Theo Tờ Tấm gương của Đức, đây dường như là mệnh lệnh của một quốc gia quyền lực ban hành cho nước thuộc địa, hơn là sự hợp tác ngang cấp của các quốc gia đồng minh.

Báo này cho rằng, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là tấn công niềm tự hào trong chính sách ngoại giao của châu Âu. Chính vì vậy, các nước EU vốn luôn gặp khó khăn trong việc đưa ra các tuyên bố chung về những diễn biến quốc tế, trong đó có việc Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem, lần này dường như có sự đoàn kết tuyệt đối với cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Pháp Emanuel Macron một lần nữa khẳng định giá trị của châu Âu, đồng thời chỉ trích Mỹ cố gắng áp đặt chính sách của nước này đối với châu Âu.

“Trong những thời điểm khó khăn nhất, nếu chúng ta chấp nhận để các cường quốc khác, bao gồm cả đồng minh và bạn bè, quyết định chính sách đối ngoại của chúng ta, quyết định an ninh của chúng ta, mà đôi khi có thể mang đến những nguy cơ tồi tệ nhất, thì chúng ta không còn chủ quyền nữa và chúng ta cũng không còn đủ uy tín để đối diện với người dân mà nói rằng “chúng tôi quyết định vì các bạn, hãy đến bỏ phiếu và lựa chọn”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, các nước châu Âu có 3 lo ngại: An ninh của châu Âu và Trung Đông; Nguy cơ của các công ty châu Âu đầu tư vào Iran; và Tương lai mối quan hệ với Mỹ.

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh quả quyết: "Lịch sử có thể ghi lại ngày mà Mỹ không đếm xỉa  vào niềm tin của các đồng minh ... Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Mỹ hành động mà không có đối tác châu Âu."

Tờ Le Monde của Pháp nhận định, Tổng thống Donald Trump đang bị “ám ảnh” bởi việc phải phá bỏ mọi thành tựu của người tiền nhiệm và quyết định vô lí này sẽ “tàn phá” Trung Đông. Truyền thông của Italy thì cho rằng, Mỹ đang tạo ra “một vết thương khó chữa lành”.

Hiện chưa rõ những tác động này sẽ khiến mối quan hệ Mỹ-châu Âu đi tới đâu và châu Âu sẽ phải đương đầu với Mỹ thế nào để bảo vệ lợi ích của mình tại Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, theo một khía cạnh nào đó, liên minh xuyên Đại Tây Dương là không thể thiếu trong tương lai gần, cụ thể là về vấn đề hạt nhân.

Vì vậy, châu Âu khó có thể “khai tử” mối quan hệ này. Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich Wolfgang Ischinger thừa nhận, vì lợi ích chính sách an ninh của mình, châu Âu đang nỗ lực để vượt qua giai đoạn này với tâm lí thất vọng về việc mất đi một đối tác thật sự.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố rằng, quyết định của Mỹ đã nới rộng khoảng cách mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận, đàm phán với Mỹ về  nhiều vấn đề nhưng tiếp tục cuộc chiến để bảo vệ lợi ích của mình. 

Truyền thông phương Tây còn ví von mối quan hệ Mỹ-châu Âu sắp tới giống như “một cặp vợ chồng đều có ý định tốt để tiếp tục chung sống với nhau nhưng sẽ khó có hạnh phúc”.

Mặc dù vậy giới quan sát cho rằng với cách tiếp cận không tham vấn với các đồng minh về nhiều lĩnh vực, từ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, gia tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm, thông báo chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem và đỉnh điểm là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran- đó sẽ không chỉ là chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump mà còn chứng minh rằng Nước Mỹ đơn độc./.

Phạm Hà/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết