Tiếng Việt | English

08/01/2025 - 10:18

Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Nghệ thuật do dân gìn giữ (Bài 3)

Long An được xem là "chiếc nôi" của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vì vùng đất này có nhiều tài tử nổi danh; những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ĐCTT Nam Bộ ít nhiều đều gắn bó với Long An. Từ những dấu ấn lịch sử sâu đậm đến những nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đang viết tiếp câu chuyện bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài 3: Nghệ thuật do dân gìn giữ

ĐCTT Nam Bộ là loại hình nghệ thuật hình thành và lan tỏa trong lòng dân, được trao truyền qua những buổi ĐCTT tại gia, những cuộc gặp gỡ tri âm, tri kỷ. Chính người dân, cộng đồng, bằng tình yêu và sự đam mê đã gìn giữ, lưu truyền và phát triển di sản văn hóa quý báu này.

Từ thành thị đến vùng sâu, biên giới, các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Nam Bộ vẫn đều đặn sinh hoạt như một phần trong đời sống, một nét văn hóa không thể nào phai nhạt của người dân Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Từ thành thị đến nông thôn

Sáng nào cũng vậy, nhà của tài tử Võ Minh Hoàng (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) luôn rộn rã tiếng đờn, ca. Những người yêu mến ĐCTT Nam Bộ tụ họp, cùng nhau đàn hát, trao đổi kỹ năng, chia sẻ những câu chuyện đời thường. Không có sự phân biệt về tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị, tất cả hòa mình vào không gian nghệ thuật ấm cúng.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ huyện Vĩnh Hưng sinh hoạt đều đặn mỗi sáng tại nhà tài tử Minh Hoàng (Ảnh chụp vào tháng 9/2023)

Tài tử Minh Hoàng cho biết, CLB bắt đầu hoạt động từ những năm 1990, cũng không ít lần thăng trầm, ngừng hoạt động nhưng rồi người mê ĐCTT Nam Bộ lại “tìm tới với nhau”.

Tất cả gặp nhau ở tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống. Thành viên của CLB cũng tích cực tham gia các hội thi, giao lưu ĐCTT Nam Bộ do huyện và tỉnh tổ chức, vừa để trau dồi kinh nghiệm, vừa góp phần xây dựng phong trào.

Ông Minh Hoàng kể: “CLB mới có thêm 1 thành viên hơn 30 tuổi. So với độ tuổi trung bình của những người chơi ĐCTT Nam Bộ ở đây thì em ấy là người trẻ nhất. Tôi rất vui vì người trẻ vẫn quan tâm và yêu mến nghệ thuật truyền thống do cha ông truyền lại”.

Là một trong những địa phương có phong trào ĐCTT Nam Bộ phát triển mạnh, TP.Tân An có CLB ĐCTT Nam Bộ duy trì hoạt động gần 20 năm. Mỗi sáng, các thành viên CLB gặp gỡ nhau tại góc quán cà phê ở phường 1 để trau dồi kỹ năng đờn, ca. Tối thứ năm hàng tuần, CLB tổ chức buổi sinh hoạt mở rộng, nơi thành viên CLB và những người yêu thích ĐCTT Nam Bộ giao lưu, đờn, ca.

Người “anh cả”, chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hoạt động của CLB ĐCTT Nam Bộ TP.Tân An là Nghệ nhân dân gian Trần Đức Nhẫn. Với vai trò Chủ nhiệm CLB, ông vừa nhận nhiệm vụ dạy đờn, ca cho thành viên mới, vừa vận động, cân đối kinh phí để duy trì hoạt động của CLB suốt từng ấy năm.

Hàng năm, ông truyền nghề cho khoảng 10-12 học trò, trong đó có nhiều người trở thành lực lượng nòng cốt của CLB, tham gia và đạt thành tích tại các hội thi, liên hoan ĐCTT Nam Bộ do tỉnh hoặc TP.Tân An tổ chức.

Tối thứ năm hàng tuần, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.Tân An tổ chức buổi sinh hoạt mở rộng, nơi thành viên Câu lạc bộ và những người yêu thích đờn ca tài tử Nam Bộ giao lưu, đờn, ca

Tấm lòng tài tử

ĐCTT Nam Bộ là loại hình nghệ thuật độc đáo, được lưu truyền, gìn giữ và phát triển trong dân gian suốt hàng trăm năm qua. Người chơi ĐCTT Nam Bộ không cần tốt nghiệp trường lớp, họ học lẫn nhau qua phương thức truyền nghề. Ai cũng có thể chơi ĐCTT Nam Bộ và “một khi đã “mê” thì không bỏ được!”.

Tài tử Đỗ Văn Điểm (phường 3, thị xã Kiến Tường) kể, ông bắt đầu chơi ĐCTT Nam Bộ từ khi còn trẻ, đến nay được khoảng 60 năm. Dù trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống nhưng ông không bỏ được ĐCTT Nam Bộ.

Mỗi ngày, khi xong việc hoặc lúc buồn, vui, ông thường đem đờn ra độc tấu như một cách giải khuây và bày tỏ nỗi lòng. Ông Điểm hiện là một trong những thành viên lớn tuổi và cốt cán của CLB ĐCTT Nam Bộ thị xã Kiến Tường.

Hiện toàn tỉnh có hơn 300 đội, nhóm, CLB ĐCTT Nam Bộ ấp, xã, phường, thị trấn; 15 CLB ĐCTT Nam Bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố cùng 1 CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.

Thành viên các CLB gồm nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau như cán bộ hưu, công nhân, viên chức nhà nước, doanh nhân, nông dân,... Họ truyền dạy cho nhau cách đờn, ca và niềm say mê dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Không cần sân khấu sáng đèn, không cần hào quang rực rỡ, người chơi ĐCTT Nam Bộ chỉ cần đam mê, một góc nhỏ dân dã, gần gũi, ngồi bên nhau đờn, ca và từ đó gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chơi ĐCTT là để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật cho chính người chơi và khách tri âm mộ điệu. Chính cuộc chơi “vô tư” như vậy tạo nên những ứng tác, ứng tấu đỉnh cao, thăng hoa và đó cũng chính là nét độc đáo của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ”.

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ

Từ khi biết đến CLB, tôi có thêm một niềm vui trong cuộc sống. Được gửi lòng mình vào tiếng đờn, lời ca, tôi cảm thấy mình vui vẻ và thoải mái. Áp lực trong cuộc sống cũng nhờ vậy mà được giải tỏa để tôi có thể sống vui, sống khỏe".

Trương Thị Kiều Loan, thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.Tân An

Nỗi lo còn đó

Giữa cuộc sống hiện đại, “đất sống” của ĐCTT Nam Bộ đang dần thu hẹp do việc tìm hiểu, thực hành và cảm nhận loại hình nghệ thuật này có phần khó hơn so với các thể loại đương đại khác.

Hình thức bảo tồn chính của ĐCTT Nam Bộ hiện nay là thông qua các lớp truyền nghề, tập huấn về ĐCTT. Tuy nhiên, phần nhiều hoạt động này đều mang tính tự phát, chưa có định hướng lâu dài cũng như rất eo hẹp về kinh phí.

Sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới thu hút một bộ phận giới trẻ khiến việc tìm kiếm thế hệ kế cận của ĐCTT Nam Bộ trở nên khó khăn hơn. Theo thống kê được nêu trong Đề án Bảo vệ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn 1 (năm 2024-2026) và tầm nhìn đến năm 2030, số lượng thanh thiếu niên tham gia các lớp truyền nghề ĐCTT Nam Bộ còn khá khiêm tốn (30-37%). Đây là một vấn đề cần được quan tâm và có những giải pháp thiết thực để ĐCTT Nam Bộ tiếp tục được trao truyền cho các thế hệ mai sau.

ĐCTT Nam Bộ không chỉ là một Di sản văn hóa phi vật thể mà còn là “tiếng nói”, tâm hồn của người dân Nam Bộ. Sức sống bền bỉ của ĐCTT Nam Bộ được nuôi dưỡng bởi chính cộng đồng, những người đam mê và tâm huyết.

Để ngọn lửa ĐCTT Nam Bộ mãi cháy sáng, cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ để di sản này tiếp tục được trao truyền và phát triển./.

(còn tiếp)

Quế Lâm

Bài cuối: Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Chia sẻ bài viết