Hướng đến thị trường khó tính
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Thanh long Long Trì (xã Long Trì, huyện Châu Thành) - Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Hiện tại, HTX có trên 60ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. Mặc dù, Ban Giám đốc HTX vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng họ rất hài lòng với những kết quả bước đầu mà HTX làm được. Theo ông, để thu hút doanh nghiệp (DN) đến với sản phẩm của mình, trước hết, phải có thanh long đạt chất lượng. Nếu không có, mọi thỏa thuận chỉ trên lý thuyết.
Việc ứng dụng công nghệ cao được nông dân thực hiện từ lâu nhưng nhỏ lẻ, chưa có sự kết hợp. (Trong ảnh: Một vườn thanh long ứng dụng tưới nước tiết kiệm tại Châu Thành)
Đó cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng. Ông Hồng cho biết, huyện đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng thành công 2.000ha thanh long ƯDCNC. Đặc biệt, năm 2017, phải đạt 685ha. Thanh long ƯDCNC, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn là “cánh cửa” đưa thanh long Châu Thành đến với những thị trường khó tính, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.
“Hiện tại, đa phần thanh long trong huyện đều xuất sang thị trường Trung Quốc. Để thanh long Châu Thành có thể đến với nhiều thị trường khác trên thế giới, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. 2.000ha thanh long ƯDCNC đang hướng tới mục tiêu đó. Có sản phẩm đạt chất lượng mới có thể quảng bá và thu hút DN được” - ông Hồng cho biết thêm.
Ông cũng nhấn mạnh, việc ƯDCNC được nông dân thực hiện từ lâu (xử lý ra hoa trái vụ, tưới nước tiết kiệm, máy băm cành thanh long) nhưng chỉ áp dụng trên quy mô nhỏ, lẻ, chưa có sự kết hợp. Kế hoạch xây dựng 2.000ha thanh long nhằm kết nối nông dân, sắp xếp các ứng dụng công nghệ thành quy trình, sản xuất trái thanh long đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính khác ngoài Trung Quốc.
Để làm được điều đó, Châu Thành tích cực vận động nông dân tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC, xác định vị trí, ranh giới vùng trên 12 xã, thị trấn (trừ xã Thanh Vĩnh Đông).
Các lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức đều khắp trên các xã (trên 20 lớp). Góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, huyện phát 7.000 tờ bướm về sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đến các đoàn thể, UBND xã, thị trấn để tuyên truyền.
Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia sản xuất theo hướng ƯDCNC: Hỗ trợ các địa phương mua thùng rác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (huyện hỗ trợ 50%); khảo sát xây dựng 5 mô hình tưới nước tiết kiệm cho nông dân (trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 50%),...
Xúc tiến thương mại
Với tất cả những nỗ lực trên, mục tiêu cuối cùng của huyện là đưa trái thanh long đến với những thị trường tiềm năng: Nhật Bản, các nước châu Âu,...
Để đạt mục tiêu đó, việc sản xuất phải đi đôi với quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Huyện tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm, tiếp xúc DN, tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu thanh long Châu Thành đến các DN và thị trường mới. Khi thanh long Châu Thành được biết đến thì uy tín và cách làm việc của nông dân là yếu tố quyết định việc “giữ chân” DN. Điều đó tùy thuộc vào nhận thức của người dân.
Sản phẩm đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn là “cánh cửa” để đưa thanh long Châu Thành đến với những thị trường “khó tính” khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường (trong ảnh: Nông dân bán thanh long cho thương lái)
Ông Hồng cho biết, lãnh đạo huyện cùng Ban Giám đốc HTX Long Trì đang nỗ lực tìm đầu ra cho trái thanh long đạt chuẩn VietGAP. Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn thương lượng để DN bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ hợp đồng của nông dân cũng rất quan trọng. Huyện khuyến cáo nông dân khi ký kết hợp đồng thì không vì lợi nhuận trước mắt mà “bẻ kèo” bán trái thanh long cho thương lái bên ngoài khi thấy giá “nhỉnh” hơn đôi chút”.
Không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, nông dân Châu Thành còn phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường khó tính yêu cầu. Tại HTX Long Trì, một số hộ dân chủ động trồng thanh long đạt chuẩn an toàn. Sản phẩm mẫu đang trong quá trình chờ kết quả kiểm tra của công ty. Nếu đạt tiêu chuẩn, thanh long của các hộ trên được công ty thu mua xuất sang thị trường khó tính.
Đến nay, đề án 2.000ha thanh long ƯDCNC ở Châu Thành bước vào năm thứ 2 và nhận được sự ủng hộ từ người dân. Bước đầu, công tác tuyên truyền giúp người dân nhận ra tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Tuy nhiên, để có chuyển biến mạnh, công tác tuyên truyền cần được thực hiện đồng bộ, bền bỉ và lâu dài hơn nữa. Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, toàn Đảng bộ và người dân Châu Thành nỗ lực thực hiện thành công chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020./.
Phương Phương