Tiếng Việt | English

17/03/2017 - 09:26

Ca hát để gắn kết yêu thương

Không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, chẳng được đào tạo qua trường lớp nhưng những gia đình “nghệ sĩ” không chuyên lúc nào cũng rộn rã tiếng cười hòa cùng giọng ca, điệu đờn ngọt ngào trong ngôi nhà đầm ấm.

Bên cạnh sự yêu thương, gắn bó cùng nhau thì những gia đình tài tử lại có cùng niềm đam mê bên điệu đờn, câu ca. Gia đình anh Võ Văn Trải, ở khu phố Bình Yên Đông 1, phường 4, TP.Tân An, Long An vào mỗi buổi chiều hay ngày cuối tuần lại rộn rã tiếng guitar phím lõm cùng giọng ca mộc mạc mà ngọt ngào của anh chị.

“Là công chức, công việc bận rộn nhưng mỗi ngày đi làm về, hễ có thời gian rảnh là tôi lại ôm đàn làm vài bản. Nhờ vậy mà tôi cảm thấy yêu đời, lạc quan hơn!” - anh Trải chia sẻ.

Tình cảm gia đình anh Trải, chị Tạo ngày càng khăng khít

Anh Trải hiện công tác tại Chi cục Thuế TP.Tân An. Ngày còn nhỏ, phương tiện nghe nhìn thiếu thốn, chủ yếu nghe radio hay nghe đĩa thôi mà anh say mê lúc nào không hay. Ba anh cũng là một người biết đàn, hát nên niềm đam mê truyền cho các con. Năm 15 tuổi, anh dành dụm tiền “tậu” một cây guitar thùng cũ để tập luyện. Tập ngày, tập đêm, học lỏm từ người thân, bạn bè, cuối cùng, anh cũng có thể đàn, hát. Từ đó, anh trở thành “cây” văn nghệ năng nổ trong trường học. Đến năm 1975, ngoài tân nhạc, anh còn có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật đờn ca tài tử nên... khoét cây đàn thành cây guitar phím lõm rồi mày mò tập luyện.

Từ năm 1976 đến 1982, bên cạnh công việc tại Phòng Tài chánh huyện Tân Trụ, anh còn là cộng tác viên của Đội Thông tin lưu động - Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Cũng trong giai đoạn này, anh gặp và sánh duyên cùng chị Nguyễn Thị Tạo, cũng là người yêu ca hát. Sau hơn 30 năm gắn bó, có lẽ, bên cạnh tình yêu, tình cảm gia đình anh chị càng khăng khít chính là nhờ sự “tâm đầu, ý hợp”,... Giờ đây, cô con gái út của anh, hiện là sinh viên tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng rất thích ca hát và có thể đàn guitar như cha mình.

Chị Tạo chia sẻ, ba mẹ chị cũng rất yêu văn nghệ, mỗi lần có đám tiệc, họp mặt là cả nhà lại cùng nhau ôm đàn ca hát, nhờ vậy mà các thành viên trong gia đình gần gũi nhau nhiều hơn.

Không chỉ thỉnh thoảng ôm đàn như anh Trải, gia đình anh Hồ Văn Tài vàm chị Đặng Thị Hồng Vân ở khu phố Bình Đông 3, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An lại thành lập hẳn một câu lạc bộ đờn ca tài tử duy trì được 20 năm. Anh Tài học những chữ đờn đầu tiên từ một người thầy đối diện nhà từ năm 12 tuổi. Sau đó, mày mò, học lỏm mỗi người một ít, anh còn tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng và giờ đây, anh có thể thành thạo đàn guitar phím lõm và đàn sến.

Vợ anh cũng “ngấm” đờn ca tài tử từ khi còn được cha ẵm trên tay ru ngủ. Được cha hát cho nghe suốt từ thuở còn nằm nôi, đến năm 5 tuổi, chị có thể hát được 3 nam, 6 bắc trong 20 bản tổ và mỗi dịp đi dự đám tiệc, cha cũng dắt chị theo phục vụ văn nghệ.

Năm 12 tuổi, chị được học đàn tranh nên có kiến thức về nhạc lý rất bài bản. Trong một lần tình cờ gặp gỡ, giao lưu, cũng nhờ lời ca, tiếng đàn mà anh và chị đến với nhau, để có một gia đình hạnh phúc như hôm nay. Có lẽ vì giống cha mẹ nên ngày còn nhỏ, chỉ độ 3-4 tuổi mà cô con gái của anh chị - cháu Hồ Xuân Hương bi bô tập hát. Đến nay, tuy chỉ mới 15 tuổi nhưng Hương rành rẽ bài bản đờn ca tài tử, nhịp, phách rõ ràng. Ngoài ra, em còn có thể hát tân nhạc và khiêu vũ rất đẹp.

Chị Vân phấn khởi: “Từ khi còn nằm trong bụng mẹ, cháu được nghe đờn ca tài tử mỗi ngày nên nhịp nhàng trong bài hát cũng trở thành nhịp tim, hơi thở của cháu. Ngoài ra, nội dung ca từ của nhiều bài ca lại vô cùng ý nghĩa, lồng ghép tình cảm gia đình, sự chung thủy của vợ chồng, sự hiếu thuận của con cháu. Vì vậy, vợ chồng tôi dạy con ca hát nhưng cũng qua đó mà rèn luyện nhân cách cháu!”.

Ngoài thời gian sinh hoạt định kỳ với câu lạc bộ, dạy đờn ca tài tử cho mọi lứa tuổi, hễ có thời gian rảnh là anh chị lại ôm đàn “dợt” cho con hát, vừa tạo sự gần gũi, ấm áp giữa các thành viên, vừa góp phần đào tạo thế hệ trẻ, duy trì được môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc,...

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng với những gia đình yêu nghệ thuật, cuộc sống lại muôn màu, đầy sức sống. Còn gì hạnh phúc bằng việc gia đình sum họp, ca hát, cùng nhau sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Với họ, các con dù trưởng thành thì tiếng đờn của cha, lời ca của mẹ, nụ cười đầm ấm của gia đình sẽ là hành trang quý báu cần gìn giữ trong suốt cuộc đời./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết