Tiếng Việt | English

22/06/2022 - 18:07

Cả nước ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV  

Ngày 22/6, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc. Đây là hoạt động do tổ chức CDC Hoa Kỳ tài trợ.

Dự hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Phạm Đức Mạnh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Vũ Mạnh Tiêm; Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An – Huỳnh Minh Phúc; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh – Phạm Thị Quyên.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Hiện nay, cả nước ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV với khoảng 111.000 trường hợp tử vong. Trong đó, năm 2021 cả nước phát hiện thêm hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV và có 1.855 người nhiễm HIV tử vong.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Phạm Đức Mạnh cho biết: “Đa số các trường hợp nhiễm HIV là nam giới trong độ tuổi từ 16-40, nhất là độ tuổi 16 - 29. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, trong đó nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng trong những năm gần đây. Và nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay”.

Riêng tại Long An, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1993, hiện Long An ghi nhận gần 5.000 người nhiễm và hơn 1.500 người  tử vong. Những năm gần đây, số người nhiễm mới HIV trong tỉnh chủ yếu phát hiện trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chiếm hơn 90% các trường hợp phát hiện, trong đó tập trung vào 2 nhóm đối tượng sinh viên - học sinh và người lao động ở các công ty, xí nghiệp.

Hội thảo tập trung các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty, xí nghiệp

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh – Huỳnh Minh Phúc, mặc dù hành vi quan hệ tình dục đồng giới được xem là một xu hướng tình dục bình thường của một tỷ lệ nhỏ người trong cộng đồng. Tuy nhiên, hành vi này vẫn chưa được cộng đồng hiểu đúng, bình thường hóa và nhìn nhận với một quan điểm đúng đắn. Vì vậy, sự phân biệt đối xử và kỳ thị đã trở thành rào cản hạn chế nhiều người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó có người lao động tại công ty, xí nghiệp tiếp cận dịch vụ, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Các nhóm tiến hành thảo luận và đưa ra giải pháp thực hiện

Được biết, trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, một trong những vấn đề ưu tiên của Long An là phát hiện số người nhiễm mới HIV để đưa vào điều trị ARV, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, trong đó người lao động tại nơi làm việc là một trong các nhóm khách hàng trọng tâm.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là công nhân, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp. Trong đó, hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe công nhân, lao động được đặc biệt quan tâm.

Đại diện các nhóm trình bày giải pháp về tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại công ty, xí nghiệp

Để hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc đạt hiệu quả tốt hơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Vũ Mạnh Tiêm đề nghị mỗi cán bộ Công đoàn phải là một chiến sĩ và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS vì người lao động. Các cấp Công đoàn phối hợp ngành y tế chăm lo tốt sức khỏe người lao động và quyết tâm hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết