Tiếng Việt | English

17/12/2021 - 11:30

Điều trị ARV - Giải pháp ngăn chặn, kiểm soát HIV hiệu quả

Người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vừa ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Điều này gọi là K = K (Không phát hiện = Không lây truyền) - một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virút ARV với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. K = K còn giúp giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, khuyến khích người nhiễm HIV tuân thủ điều trị.

ARV

Tại các cơ sở điều trị PrEP và ARV, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cụ thể quy trình điều trị

Không phát hiện = Không lây truyền

K = K (Không phát hiện = Không lây truyền) nghĩa là một người nhiễm HIV uống ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không có HIV. Chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng điều trị HIV/AIDS là tải lượng virút HIV trong máu, với 2 ngưỡng <1.000 bản sao/ml được coi là ngưỡng “ức chế” và <200 bản sao/ml máu được coi là ngưỡng “không phát hiện”. K = K sẽ góp phần thay đổi quan niệm về nhiễm HIV, căn bệnh này không còn là “án tử” mà là một bệnh truyền nhiễm mạn tính có thể điều trị và dự phòng hiệu quả.

Thông thường, một người có HIV điều trị bằng ARV, tuân thủ điều trị tốt, chậm nhất là sau 6 tháng sẽ đạt tải lượng virút dưới 200 bản sao/ml máu.

Người có HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ tiếp tục duy trì được tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện và sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ.

Để biết tải lượng virút của người có HIV, Bộ Y tế quy định người có HIV khi điều trị ARV cần xét nghiệm tải lượng virút định kỳ. Năm đầu tiên xét nghiệm 2 lần (6 tháng/lần). Những năm sau xét nghiệm tải lượng virút mỗi năm/lần.

Theo Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Tiến sĩ Eric Dziuban, người sống chung với HIV nên dùng thuốc ARV để điều trị HIV càng sớm càng tốt. Khi thuốc ARV được sử dụng để điều trị HIV được gọi là “điều trị kháng retrovirus”, hay viết tắt là ART. Nếu sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc, ART làm giảm lượng HIV trong cơ thể (tải lượng virút) ở mức rất thấp, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động và ngăn ngừa bệnh tật.

Đó được gọi là tình trạng ức chế virút hoặc tải lượng virút không phát hiện được nếu ít hơn 200 bản sao/ml máu. Người này không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính với HIV. Điều này được biết đến như là U = U (Undetectable = Untransmittable) hoặc K = K trong tiếng Việt hay “điều trị ARV là dự phòng”. Ngoài ra, đối với người âm tính với HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là thuốc ARV để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. PrEP làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ tình dục khoảng 99% khi dùng theo đúng chỉ định; PrEP làm giảm nguy cơ nhiễm HIV do tiêm chích ma túy ít nhất là 74%.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy ART có hiệu quả 100% để bảo vệ bạn tình âm tính không nhiễm HIV nếu bạn tình nhiễm HIV đã đạt tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế mà không cần sử dụng bất kỳ phương pháp phòng ngừa nào khác (như PrEP hoặc bao cao su). Trong trường hợp này, không cần phương pháp dự phòng HIV nào khác. Tương tự, PrEP có hiệu quả 99% trong việc dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục cho những người âm tính với HIV mà không cần bất kỳ phương pháp nào khác. Tuy nhiên, K = K và PrEP chỉ bảo vệ chống lại HIV và sử dụng bao cao su vẫn quan trọng để bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và tránh thai.

Giám đốc Sở Y tế Long An - BS CKII Huỳnh Minh Phúc (bên phải) tặng hoa, chào mừng Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Tiến sĩ Eric Dziuban tham dự Lễ khởi động sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng” tại Long An

Giám đốc Sở Y tế Long An - BS CKII Huỳnh Minh Phúc (bên phải) tặng hoa, chào mừng Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Tiến sĩ Eric Dziuban tham dự Lễ khởi động sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng” tại Long An

Điều trị ARV là dự phòng - Niềm tin cho “người có H”

Anh T. (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) bị lây nhiễm HIV từ bạn tình từ năm 2018. Thời gian đầu, anh rất lo lắng, sợ hãi vì sợ bị kỳ thị, xa lánh. Sau này, được các cán bộ y tế tận tình tư vấn, anh kiên trì điều trị bằng thuốc kháng virút ARV. Hiện nay, anh mạnh mẽ vượt qua mặc cảm và trở thành đồng đẳng viên tích cực trong công tác hỗ trợ người có nguy cơ nhiễm HIV cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, góp phần giảm thiểu sự lây lan HIV trong cộng đồng.

Anh chia sẻ: “Sau thời gian hoang mang vì biết mình bị nhiễm HIV, tôi đã thực sự được vực dậy từ khi sử dụng thuốc kháng virút ARV. Khi đạt tải lượng virút dưới 200 bản sao/ml máu, tôi không còn khả năng lây nhiễm cho người yêu của mình, sống một cuộc sống bình thường như bao người khỏe mạnh khác”.

Có thể khẳng định, ARV chính là “chiếc phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV. Xác định tầm quan trọng của điều trị ARV, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng tỉnh thực hiện được nhiều hoạt động truyền thông, truyền tải thông điệp K=K đến cộng đồng và lợi ích của việc sử dụng ARV.

Tại Lễ khởi động sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng”, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án EPIC tỉnh Long An - BS CKII Huỳnh Minh Phúc thông tin, điều trị thuốc kháng virút ARV trước đây chỉ xem như phương thuốc kéo dài cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển vượt trội về điều trị thuốc kháng virút ARV và nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã đúc kết “Điều trị ARV là dự phòng”, bao hàm ý nghĩa của thông điệp K=K và cả lĩnh vực điều trị PrEP dự phòng cho người chưa nhiễm HIV.

Đến nay, số người nhiễm HIV phát hiện trên địa bàn tỉnh là 4.709 người (trong đó có 1.548 người tử vong). Toàn tỉnh có 2.738 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, số bệnh nhân đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng là gần 98%.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu 95-95-95 thông qua tìm ca, kết nối điều trị ARV, điều trị PrEP,... Đồng thời, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV (tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm, cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm tại nhà thuốc/cửa hàng tiện ích,...); cải thiện và mở rộng cơ sở dịch vụ HIV/AIDS, PrEP; triển khai thêm cơ sở, khuyến khích y tế tư nhân tham gia. Bên cạnh đó, tham mưu Ban Chỉ đạo địa phương chỉ đạo quán triệt nâng cao nhận thức về Điều trị ARV là dự phòng.

Từ năm 2018 đến nay, với sự tài trợ của CDC Hoa Kỳ thông qua dự án EPIC “Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Long An về tài chính, kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác để triển khai các can thiệp hướng tới đạt các mục tiêu cơ bản quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS.

Trong đó, mục tiêu 95 - 95 - 95 là tiền đề cơ bản góp phần hướng tới mục tiêu chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đồng thời, giảm tác động của đại dịch đối với sự phát triển KT - XH. Mục tiêu 95 - 95 - 95 gồm 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người phát hiện nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV; 95% người điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện gọi là K = K./.

ĐỊA CHỈ CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ PREP VÀ ARV TẠI LONG AN:

. Bệnh viện Đa khoa Long An – 0272 3830366

. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười – 0272 3841229

. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa – 0272 3814986

. Trung tâm Y tế TP.Tân An – 0945 654 452

. Trung tâm Y tế Bến Lức – 0272 3637481

. Trung tâm Y tế Cần Đước – 0393 929 491

. Trung tâm Y tế Cần Giuộc – 0272 3893892

. Trung tâm Y tế Châu Thành – 0272 3888115

. Phòng khám Hùng Vương (ngoài giờ) – 0828 980 808

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Bí quyết Đào thải HPV xem ngay bcaa phốt bệnh viện Emcas không có thật