Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân
Nông dân có lợi nhuận cao
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Trụ, vụ ĐX 2020-2021, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống 3.265ha, hiện đã thu hoạch được trên 1.600ha. Theo đánh giá, các diện tích lúa đã thu hoạch đạt năng suất bình quân từ 7-7,5 tấn/ha. Giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng cao hơn so với vụ ĐX 2019-2020, nông dân có lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng/ha.
Vừa thu hoạch xong 1,2ha lúa ĐX giống OM5451, ông Nguyễn Văn Ta (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) cho biết, để né hạn, mặn, vụ ĐX năm nay, gia đình ông gieo sạ sớm hơn gần 20 ngày so với vụ ĐX năm trước. Bên cạnh đó, gia đình ông chọn giống OM5451 để gieo sạ vì giống lúa này có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt.
Ông Lê Tấn Yên (ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) cũng vừa thu hoạch xong vụ lúa ĐX. Ông Yên cho hay: “Vụ ĐX năm nay, thời tiết khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng thiếu nước như năm trước. Giá lúa có giảm nhưng vẫn ở mức cao, năng suất lúa cũng cao, trên 7 tấn/ha. Vụ này, với hơn 2ha lúa OM7347, gia đình tôi có lợi nhuận hơn 50 triệu đồng”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đăng Văn Tây Lo thông tin: “Vụ ĐX 2020-2021, nông dân trong huyện gieo sạ các giống lúa chống chịu hạn, mặn tốt và chất lượng cao: OM 5451, OM 576, OM 7347 và một số diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404. Điều đáng mừng là cùng với nỗ lực của nông dân thì thời tiết và thủy văn nhìn chung khá thuận lợi, giúp nông dân có được vụ mùa bội thu.
Tại huyện Thủ Thừa, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đến nay, nông dân thu hoạch được trên 15.400ha lúa ĐX, còn khoảng 1.600ha sẽ được thu hoạch dứt điểm trong vòng từ 7-10 ngày tới. Ông Lê Minh Thành, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, nói: “Tôi đang chuẩn bị thu hoạch 1,6ha lúa ĐX. Mặc dù khá lo lắng khi thời tiết đã bắt đầu chuyển mùa và xuất hiện những cơn mưa nhưng chỉ còn khoảng 2-3 ngày nữa gia đình tôi sẽ thu hoạch nên thời tiết cũng sẽ không làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ ĐX 2020-2021, các huyện phía Nam của tỉnh xuống giống 34.413ha, đã thu hoạch 28.683ha, năng suất (khô) bình quân đạt 53 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 151.300 tấn. Theo đánh giá chung của Sở, vụ ĐX năm nay, nông dân trúng mùa và có lợi nhuận cao.
Cần gieo sạ lúa Hè Thu đúng lịch thời vụ
Bên cạnh việc tập trung thu hoạch lúa ĐX, các địa phương cũng cần chuẩn bị tốt cho vụ Hè Thu (HT) 2021. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 45.172ha lúa HT (kế hoạch 215.000ha). Để vụ lúa HT đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, đặc biệt là xuống giống tập trung để vừa né rầy, vừa tránh lũ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa HT hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ ĐX ít nhất 3 tuần, thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng bị ảnh hưởng lũ sớm gắn với bản đồ cơ cấu mùa và lịch né rầy.
Dự kiến thời vụ xuống giống các vùng cụ thể sau: Đợt 1: Từ ngày 18 đến 28/4/2021 tại các vùng trũng thấp thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười; đợt 2: Từ ngày 15 đến 25/5/2021, tất cả huyện, thị trên địa bàn tỉnh; đợt 3: Từ ngày 13 đến 25/6/2021 tại các vùng không chủ động nguồn nước, các huyện phía Nam và lúa Thu Đông các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Những vùng bị nhiễm mặn trước khi gieo sạ cần chú ý công tác cày, xới rửa mặn; các vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT,... Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn: AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
“Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi các đợt rầy nâu di trú và tình hình sâu năn; tăng cường kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn kịp thời các biện pháp chăm sóc cây lúa, phòng ngừa, xử lý sinh vật gây hại. Hướng dẫn thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột như đào, bắt, bẫy chuột và sử dụng thuốc diệt chuột sinh học; hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng các loại thuốc, hóa chất độc hại; tuyệt đối không dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, dùng điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột” - ông Thiện cho biết thêm./.
Bùi Tùng