Tiếng Việt | English

03/11/2021 - 19:23

Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương chống dịch khi số ca mắc mới tăng cao

Hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Trong đó, dịch bệnh đã lây nhiễm phức tạp tại các nhà máy, doanh nghiệp. Chính quyền và người dân khu vực này đang khẩn trương ứng phó với dịch bệnh.

Thông tin từ Sở Y tế Tiền Giang, trong ngày 2/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 202 F0 mới, tăng 59 ca so với ngày trước đó. Trong số ca mắc mới trong ngày 2/11, có 172 ca phát hiện trong khu cách ly; 9 ca trong khu vực phong tỏa và 21 ca phát hiện trong cộng đồng.

Đáng lưu ý, trong số 21 ca F0 phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, có 9 ca là người dân tự đi khám và test nhanh phát hiện tại cơ sở y tế, gồm TP. Mỹ Tho 4 ca, huyện Cai Lậy 3 ca và huyện Châu Thành 2 ca và có 11 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng.

Người dân Tiền Giang chống dịch trong tình trạng “bình thường mới”.

Toàn tỉnh có 10/11 đơn vị có ghi nhận F0 mới, nhiều nhất là TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè. Chỉ duy nhất huyện Tân Phú Đông là đơn vị không ghi nhận F0 mới. Đặc biệt, từ khi tỉnh Tiền Giang nới lỏng việc quản lý trong sản xuất kinh doanh, không bắt buộc lao động “3 tại chỗ” ở các doanh nghiệp nên dịch bệnh bùng phát. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Lê Văn Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Anh Giáp tại phường 9, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Công ty tổ chức cho anh em công nhân tiêm đủ 2 mũi vaccine. Phòng dịch tại công ty thì cũng theo quy định 5K, khi xe của các đại lý đến nhận hàng thì tài xế đến cũng sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và khai báo y tế, theo các thủ tục đầu tiên vậy thôi. Cơ bản rất sợ dịch nhưng không còn cách nào khác, tự mỗi người tự bảo vệ nhau, tôi thấy cũng tương đối hợp lý. Tôi nhắc anh em là tuyệt đối là chỉ từ công ty về nhà và từ nhà đến công ty thôi”.

Tại tỉnh Bến Tre, từ 18h ngày 2/11 đến chiều 3/11, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 49 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, nhiều ca nhiễm mới phát hiện khi đang điều trị tại các bệnh viện. Hiện nay, huyện Bình Đại là “điểm nóng” tái bùng phát dịch COVID-19, tập trung nhiều ở các xã ven biển như Bình Thắng, Bình Thới, Thạnh Trị và Thới Thuận.  

Công tác phòng chống dịch trên đoàn tàu đánh bắt hải sản ở tỉnh Bến Tre cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, huyện Bình Đại cho biết, chiều 3/11, có ca F0 phát hiện từ phương tiện khai thác biển, địa phương đang tập trung xử lý ổ dịch này. 

Còn tại TP. Cần Thơ, khoảng 2 tuần gần đây, ghi nhận số F0 tăng vọt bất thường, có ngày lên đến 434 ca, trong khi trước đó chỉ dao động mấy chục ca/ngày. Dịch xâm nhập các bệnh viện lớn của thành phố, các công ty thủy sản trong khu công nghiệp...

Từ tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ yêu cầu các địa phương cần nỗ lực xây dựng pháo đài vững chắc ở xã, phường, thị trấn. Nâng cao năng lực, trang bị phương tiện cho trạm y tế theo dõi, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, để giảm bệnh nặng và tử vong. Ngành y tế, quận, huyện… chuẩn bị sẵn sàng khi có vaccine tiêm ngay cho trẻ em.

TP. Cần Thơ xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2.

UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, ngành y tế… sẵn sàng kích hoạt khu cách ly, bệnh viện dã chiến; giao Sở Y tế xem xét trình phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Là một trong những “điểm nóng” về số ca mắc F0, đánh giá dịch ở cấp độ 3, ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều cho biết: “Địa phương sẽ tập trung công tác xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, rồi truy vết tất cả các hộ dân, người dân trên địa bàn phường An Cư để kịp thời tầm soát, bóc tách F0 đưa đi điều trị và các F1 để cách ly tập trung”.

Ở tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 2/11, địa phương ghi nhận 91 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 23 ca trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đồng Tháp yêu cầu các địa phương không được chủ quan trong phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm 5K khi đến nơi công cộng, hàng quán, chợ.

Ngành y tế tỉnh Đồng Tháp lấy mẫu xét nghiệm truy tìm ca nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Hiện nay, Đồng Tháp đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, phấn đấu đạt mức 60.000 liều/ngày, làm việc kể cả thứ bảy và chủ nhật. Đối với những khu vực có nguy cơ, nghi ngờ tại một số điểm sẽ tiến hành xét nghiệm tầm soát để khoanh vùng, dập dịch.

Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua, đã ghi nhận 290 trường hợp có kết quả RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có đến 96 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã Quyết định điều chỉnh một phần Quy định tạm thời các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 3/11.

Trong đó, quy định đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ), chỉ những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 mới được tham gia các hoạt động tại cơ quan, công sở trong hệ thống chính trị (kể cả người đến liên hệ công tác) và không hạn chế tỷ lệ phần trăm số người tham gia hoạt động. 

Còn đối với cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch ở địa bàn cấp 4 thì dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch; dừng các chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn này. Khách sạn, nhà nghỉ được phép hoạt động tối đa 30% công suất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã Quyết định bổ sung tăng thêm 270 giường điều trị bệnh COVID-19 cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đặt tại ấp Xẻo Chích (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 huyện Hòa Bình, gồm 2 cơ sở: Cơ sở 1 đặt tại Trường THPT Dân tộc Nội trú (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) với quy mô 200 giường bệnh và cơ sở 2 đặt tại Trường Mầm non Hoàng Oanh (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) với quy mô 100 giường bệnh.

Trong những ngày qua, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cũng đã phân công hàng chục y, bác sĩ đến Bạc Liêu hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hiện các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu đã tái lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nhằm siết chặt, tăng cường các biện pháp sớm khống chế dịch bệnh lây lan.

Bạc Liêu triển khai nhiều biện pháp chống dịch bệnh lây lan.


Tỉnh An Giang tầm soát COVID-19 cho trẻ em.

Tại An Giang, hiện nay số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt, xuất hiện nhiều ổ dịch mới ở TP. Long Xuyên và huyện Tri Tôn, với hàng trăm ca ngoài cộng đồng. Trong vòng 5 ngày qua, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn hơn 300 ca mắc COVID-19, trong đó có những ngày phát hiện hơn 100 ca ngoài cộng đồng. 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính từ ngày 1/10 đến nay, địa phương đã tiếp nhận hơn 71.000 người về từ các địa phương có điểm nóng về dịch COVID-19 như TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Trong đó, hơn 1.200 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện tỉnh thực hiện Nghị quyết 128 của chính phủ, nhưng cái khó nhất là quản lý người về từ các tỉnh, cấp độ 1 và cấp độ 2 đi lại bình thường, trong khi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh về các tỉnh là rất lớn. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Long Xuyên, địa phương này đã phải áp dụng biện pháp tăng cường phòng, chống dịch đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm: “Trước đây, chỉ một vài huyện có dịch, nhưng hiện nay hầu hết các huyện đã ghi nhận ca mắc. Số lây nhiễm từ các tài xế về rất nhiều. Nói 1 cung đường 2 điểm đến, nhưng tài xế đến nhiều điểm chứ không phải 2 điểm, Thực tế một xe hàng đi từ TP.HCM về đâu có giao hàng một điểm cố định, tới huyện này giao một số hàng, sau đó đến huyện khác giao một số, tóm lại là ông ấy tiếp xúc bao nhiêu người? Thứ 2 là người từ các tỉnh về; thứ 3 ý thức của người dân”.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang chuyển biến phức tạp. Theo Quyết định công bố dịch mới nhất của tỉnh, tất cả 101 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã ở cấp độ dịch từ cấp 2 trở lên. Trong đó, có 5 đơn vị ở cấp độ 4 và 21 đơn vị cấp độ 3.

Để phòng, chống dịch, tỉnh Cà Mau chú trọng công tác tiêm phòng vaccine. Qua rà soát, tổng số người từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Cà Mau là hơn 86.600 người; người từ 16 đến 17 tuổi là hơn 22.000 người, người từ 12 đến 15 tuổi là hơn 64.000 người. Trong đó, học sinh sẽ được tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 4-6/11 tại các cơ sở giáo dục hoặc điểm tiêm phù hợp; trường hợp ở xa trường thì tiêm tại Trạm Y tế hoặc cơ sở y tế thuận tiện được bố trí.

Loại vaccine tỉnh Cà Mau sử dụng tiêm chủng đợt này là vaccine Pfìzer đã được Bộ Y tế phê duyệt. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành y tế kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người được tiêm và an toàn phòng, chống dịch./.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết