Tiếng Việt | English

08/11/2023 - 09:17

Cần Giuộc: Hiệu quả thiết thực từ mô hình Thư viện số

Năm 2023 là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Từ đầu năm 2023 đến nay, Huyện Đoàn Cần Giuộc, tỉnh Long An và các cơ sở Đoàn trực thuộc trên địa bàn huyện có nhiều công trình được triển khai nhằm nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và người dân. Trong đó, điển hình là mô hình Thư viện số.

Mô hình Thư viện số tại xã Long An được đặt tại khuôn viên Nhà bia liệt sĩ xã

Mô hình Thư viện số tại xã Long An được đặt tại khuôn viên Nhà bia liệt sĩ xã

Từ đầu năm 2023, xã Phước Lâm (huyện Cần Giuộc) được Huyện Đoàn chọn làm điểm thực hiện mô hình Thư viện số. Sau thời gian triển khai, đoàn viên, thanh niên, người dân phần nào thay đổi tư duy và từng bước tiếp cận chuyển đổi số.

Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết: “Mô hình Thư viện số phát huy được tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần vào công tác cải cách hành chính cấp xã, giúp giảm tải khối lượng công việc của cán bộ, công chức, giúp người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí khi giải quyết các thủ tục hành chính cấp xã”.

Đoàn xã Phước Lâm phối hợp cán bộ, công chức chuyên môn cập nhật các văn quy phạm pháp luật hiện hành từ Trung ương đến địa phương. Các văn bản sẽ được mã hóa thành mã QR và được đặt tại bộ phận "một cửa" của xã.

Khi có nhu cầu, người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối Internet và sử dụng ứng dụng quét mã QR là có thể truy cập các văn bản pháp luật. Văn bản đa dạng trên tất cả lĩnh vực như các chính sách xã hội, Luật Đất đai, xây dựng, môi trường,...

Theo Bí thư Đoàn xã Phước Lâm - Nguyễn Anh Vũ, các văn bản quy phạm pháp luật được mã hóa thành mã QR nên có thể dễ dàng chỉnh sửa khi có thay đổi, cập nhật, bổ sung trên Internet mà không cần đổi mã QR mới.

Anh Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: “Hiện nay, công trình này có khoảng 30 mã QR và khoảng 500 đầu văn bản quy phạm pháp luật. Định kỳ hàng quí, Đoàn cập nhật, bổ sung những văn bản mới, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

Anh Trần Nhật Minh Duy (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) nói: “Quét mã QR rất thuận tiện cho người dân. Cán bộ tại bộ phận "một cửa" cấp xã không nhiều mà người dân cần giải quyết và hỗ trợ lại đông.

Từ khi có Thư viện số, khi cần tìm hiểu về một việc gì, tôi chỉ cần quét mã QR là sẽ ra được các văn bản cần biết, vừa nhanh, tiện lợi, vừa chính xác”.

Mô hình Thư viện số được đưa vào sử dụng đã góp phần trong công tác cải cách hành chính cấp xã, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân (Trong ảnh: Mô hình Thư viện số được đặt tại bộ phận “một cửa” xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc)

Mô hình Thư viện số được đưa vào sử dụng đã góp phần trong công tác cải cách hành chính cấp xã, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân (Trong ảnh: Mô hình Thư viện số được đặt tại bộ phận “một cửa” xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc)

Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, mô hình Thư viện số được nhân rộng các xã, thị trấn. Tại xã Long An, mô hình với tên gọi Tuyến đường thư viện số trên “Tuyến đường Thanh niên kiểu mẫu” (ấp 3, xã Long An) và công trình thanh niên Thư viện số đặt tại khuôn viên Nhà bia liệt sĩ xã giúp người dân dễ dàng nhìn thấy và thuận tiện khi quét mã QR để tra cứu những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khi có nhu cầu tìm hiểu.

Công trình được thiết kế bắt mắt, sinh động, mang màu sắc của tổ chức Đoàn, Hội với các mã QR là kho dữ liệu thông tin được Đoàn Thanh niên phối hợp các ban, ngành liên quan cập nhật, thu thập.

Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận của người dân, nhất là người lớn tuổi. “Đoàn xã tiếp tục ra quân và phát huy hiệu quả Đội hình IT áo xanh, Tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, phát huy tính tiên phong, năng động, sáng tạo, nhạy bén của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia" - Bí thư Đoàn xã Long An - Huỳnh Thanh Sang cho biết./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết