Nhiều nông dân lựa chọn phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học để giảm chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất tăng
Ông Nguyễn Văn Liêm (ấp 3, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết, chi phí sản xuất vụ Hè Thu 2022 tăng cao, chỉ với 2ha lúa mà tổng vốn đầu tư gần 35 triệu đồng. Theo ông Liêm, hầu hết các chi phí đều tăng. Đáng nói là mùa này, một số loại phân bón tăng giá đến hơn 300.000 đồng/bao, có loại tăng gấp đôi. “Với năng suất lúa 6 tấn/ha, bán giá 6.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, tôi không có lãi. Bởi vậy, vụ Thu Đông này, tôi sẽ chuyển sang trồng rau màu chứ không trồng lúa” - ông Liêm nói.
Cũng ở xã Tân Phước Tây, anh Nguyễn Hữu Tiến (ấp 4) trồng gần 2ha bưởi da xanh. Anh Tiến chia sẻ: “Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao, giá nông sản bấp bênh nên nông dân không có lãi, thậm chí còn bị lỗ. Đáng nói là khi giá xăng tăng thì giá phân, thuốc tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng giảm thì giá phân, thuốc lại không giảm. Lúc trước, chai thuốc cỏ 150.000 đồng/chai, giờ đã 200.000 đồng/chai. Phân Urê trước đây 450.000 đồng/bao, giờ đã hơn 800.000 - 900.000 đồng/bao”.
Mang ra bao phân bón vừa mua hôm trước, anh Tiến nói: “Giá bao phân bón này hồi trước khoảng 650.000 đồng/bao, còn hiện giờ đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng/bao. Mấy lần đi mua phân bón, nghĩ là chuẩn bị đủ tiền rồi nhưng khi tới cửa hàng thì được cho hay giá đã tăng lên. Bị hụt tiền nên tôi phải mua giảm số lượng so với dự kiến”.
Theo anh Tiến, nông dân trồng lúa gặp khó, nhiều người bỏ vụ; còn nông dân trồng bưởi thì cũng không có lãi nhiều. Để giảm chi phí phân, thuốc và nâng cao chất lượng trái, anh Tiến đã áp dụng trồng bưởi theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học, hạn chế phân bón, thuốc hóa học.
Cần sớm bình ổn giá vật tư nông nghiệp
Anh Tiến đề xuất: “Hy vọng Chính phủ, ngành chức năng nhanh chóng thực hiện các giải pháp để giá vật tư nông nghiệp bình ổn. Có vậy thì nông dân sản xuất nông nghiệp mới có lời, cuộc sống mới ổn định”.
Cập nhật giá phân, thuốc hàng ngày, ông Lê Tấn Tài (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết, làm ra nông sản đã vất vả, chi phí lại tăng, trong khi bán ra lại bị thiệt vì phải qua nhiều khâu trung gian. Gần đây, từ chi phí nhân công đến giá vật tư nông nghiệp đều tăng cao, gây khó khăn cho nông dân. Do đó, ngành chức năng cần sớm bình ổn giá cả phân bón, thuốc trừ sâu,…
Thời gian qua, nhiều nông dân trồng lúa “gánh” quá nhiều chi phí nên không có lời, nhiều người đã bỏ vụ, có người chuyển sang trồng rau màu, cam, bưởi,… để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nếu diện tích vườn tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến những người trồng lúa còn lại. Cụ thể, các loại máy móc phục vụ sản xuất lúa sẽ khó di chuyển, tình hình dịch bệnh, sâu bọ cũng có nguy cơ gia tăng,…
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Thu Đông năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ 45.000ha. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2022 trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định thâm canh đối với vụ Thu Đông 2022 là biện pháp quan trọng nhất vừa bảo đảm tiết kiệm về chi phí phân bón, vừa phòng, chống sâu, bệnh để đạt năng suất, chất lượng tốt.
Giá phân bón tăng cao làm giảm lợi nhuận của nông dân
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Do thời gian chuyển vụ năm nay rất ngắn nên ngành Nông nghiệp tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng các chế phẩm sinh học, giúp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường (do đốt rơm rạ sau thu hoạch); đồng thời, hạn chế được lượng phân bón vô cơ, tận dụng tối đa nguồn phân bón hữu cơ để tăng thêm độ màu mỡ, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.
“Để tránh tình trạng người dân mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thanh tra Sở và Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là thanh, kiểm tra đột xuất, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Hiện Sở tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu, rộng các quy định của Trung ương, tỉnh về quản lý vật tư nông nghiệp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Bùi Tùng