Thời gian qua, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm ứng phó với những tình huống khẩn cấp từ phía Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng cũng liên tiếp tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí với 4 vụ phóng thử tên lửa trong tuần qua.
Hình ảnh Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy vụ phóng thử tên lửa siêu thanh tại một địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 5/1/2022. Ảnh: Reuters
Với diễn biến như vậy, triển vọng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vốn dĩ khó đoán định, nay lại càng đối mặt nhiều chông gai. Với việc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, dư luận lo ngại sự gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có thể tác động bất lợi đến cục diện hòa bình và sự ổn định chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Khu vực Đông Bắc Á theo đó cũng “đứng ngồi không yên”.
Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ phóng thử tên lửa
Sáng 1/10, Triều Tiên đã lần lượt phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Đông. Tên lửa được xác định có vận tốc gấp 6 lần vận tốc âm thanh. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn lần thứ tư của Triều Tiên chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, sau vụ phóng một tên lửa vào các ngày 25, 28 và 29/9.
Như vậy từ đầu năm đến nay, tổng cộng Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa đạn đạo 20 lần và phóng tên lửa hành trình 2 lần. Các động thái khiêu khích tên lửa đạn đạo tầm ngắn liên tiếp gần đây của Triều Tiên được phân tích là nhằm phản đối cuộc tập trận trên biển của liên quân Hàn Quốc - Mỹ, và ba nước Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản.
Trong vòng 4 ngày từ 26/9, Hải quân Hàn - Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận trên vùng biển phía Đông, có huy động tàu sân bay hạt nhân Ronald Reagan của Washington. Tiếp đó, trong ngày 30/9, ba nước Hàn - Mỹ - Nhật đã tiến hành tập trận chống hạm, giả định tình huống truy dấu và thăm dò tàu ngầm của quân địch.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên là vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, hối thúc Bình Nhưỡng ngừng khiêu khích, đồng thời phối hợp chặt chẽ, đối phó với khả năng Triều Tiên khiêu khích thêm.
Từ đầu năm tới nay, quan hệ giữa Hàn Quốc – Mỹ - Nhật Bản với Triều Tiên đã nhiều lần “cơm không lành, canh không ngọt”. Trong khi Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa thì Hàn Quốc – Mỹ - Nhật Bản liên tục có những động thái đề phòng với những diễn biến khó lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguyên nhân vẫn chỉ xoay quanh vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Triên và việc Bình Nhưỡng ngày càng có động thái mạnh mẽ hơn khi các bên liên quan chưa có những biện pháp cụ thể để mở ra cơ hội cho đối thoại.
Đối thoại là một viễn cảnh xa vời
Với hàng loạt động thái gần đây của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại về mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, thậm chí cho rằng đây là một viễn cảnh xa vời.
Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm về việc phi hạt nhân hóa toàn diện trên Triều Tiên, tiếp tục xúc tiến phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại và ngoại giao.
Quân đội Hàn Quốc cảnh báo sẽ tăng cường năng lực thực thi răn đe mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa năng lực răn đe như mở rộng hệ thống phòng thủ ba trụ cột, lập Bộ Tư lệnh chiến lược, khiến Triều Tiên không thể sử dụng hạt nhân. Đặc biệt, phía Hàn Quốc cho biết, liên quân Hàn - Mỹ sẽ đối phó một cách áp đảo nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân và khiến nước này đi vào con đường “tự diệt vong”.
Trong khi đó, Mỹ nhấn mạnh về chính sách răn đe hạt nhân đã được kiểm chứng và các quy trình liên liên quan. Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo năng lực răn đe với Bình Nhưỡng. Nhật Bản liên tục kháng nghị lên Triều Tiên, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Trong tất cả các diễn đàn quốc tế, Nhật Bản đều đưa vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vào chương trình nghị sự.
Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nói rằng, có thể ông muốn đối thoại với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc đối thoại với phía Bình Nhưỡng trong thời điểm hiện tại gần như chưa có tia hy vọng khi mà nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa “hứng thú” gặp bất cứ ai, ngoại trừ cựu Tổng thống Trump.
Các cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên từ nay đến cuối năm có thể sẽ tăng lên nhưng các bên liên quan có lẽ sẽ không chọn con đường xung đột, bởi tình hình thế giới đã đang rất phức tạp và suy cho cùng, các bên đều không có lợi ích khi xung đột nổ ra. Tương lai về một tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên có thể cần mất nhiều thời gian hơn.
Đánh giá về nguy cơ xung đột
Hồi đầu tháng 9, Triều Tiên đã thông qua luật mới chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép thực hiện quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ.
Pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên vừa thông qua bao gồm 11 điều, quy định về các nội dung như sứ mệnh sức mạnh hạt nhân, quyền chỉ huy, kiểm soát, nguyên tắc, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, quản lý, bảo trì và bảo vệ vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ có quyền quyết định toàn diện về vũ khí hạt nhân.
Trong trường hợp hệ thống chỉ huy kiểm soát vũ khí hạt nhân rơi vào tình thế nguy hiểm do sự tấn công của thế lực bên ngoài thì Triều Tiên sẽ ngay lập tức tự động tấn công bằng hạt nhân để tiêu diệt thế lực thù địch.
Thông qua pháp lệnh trên, Triều Tiên tự cho phép nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân một cách tùy ý, bất cứ lúc nào, và quyền quyết định thuộc về duy nhất một người, đó là nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Các chuyên gia Hàn Quốc nhận định, theo pháp lệnh này thì việc đàm phán phi hạt nhân hóa là điều không thể, ít nhất là thời điểm pháp lệnh vừa được thông qua.
Các bên liên quan đứng đầu là Mỹ - Hàn Quốc – Nhật Bản cũng sẽ rất khó khăn để có thể dùng biện pháp quân sự, bởi vấn đề Triều Tiên là vấn đề của cả 3 nước này. Nhật Bản vẫn đang trong quá trình cải cách Hiến pháp bao gồm việc đưa quân ra nước ngoài. Hàn Quốc không thể làm ngơ trước những người có thể coi là “cùng dòng máu”. Mỹ cũng khó có thể quyết định một mình trong trường hợp hai nước đồng minh gần Triều Tiên nhất chưa thể đưa ra hành động chung. Như vậy, thời điểm hiện tại các bên có thể sẽ có những căng thẳng mới, nhưng xung đột không thể xảy ra./.
Theo VOV