Tiếng Việt | English

02/11/2021 - 09:49

Cảnh giác với 'công nghệ cắt ghép'

Gần đây, xuất hiện các loại phần mềm cho phép người dùng cắt ghép các file audio, video mới trên nền các audio, video hiện có với âm thanh cùng hiệu ứng video thay đổi hoàn toàn so với video gốc ở mức chất lượng cao.

Các phần mềm cắt gép audio, video miễn phí được chia sẻ tràn lan trên Internet

Các phần mềm cắt gép audio, video miễn phí được chia sẻ tràn lan trên Internet

Với các phần mềm miễn phí: Reface, FacePlay, Doupai Face, FaceComedy, Canva,… có thể thỏa sức ghép mặt vào ảnh, ghép mặt vào video hay ảnh động chỉ với một tấm ảnh selfie. Sự nổi lên của công nghệ cắt ghép này có thể tạo ra mối đe dọa làm gia tăng các nội dung hư cấu tới mức làm sai lệch hoàn toàn sự thật.

Trên mạng xã hội (MXH) thời gian gần đây, nhiều tài khoản Facebook cũng bị các đối tượng sử dụng hình ảnh cá nhân cắt ghép các clip nóng, vu khống rồi tung lên MXH nhằm đe dọa, tống tiền các nạn nhân. Bọn chúng đánh vào tâm lý e ngại, thiếu hiểu biết hoặc sợ mất danh dự của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Thậm chí, chúng còn dựng chuyện bôi nhọ, nói xấu và dùng nhiều biện pháp tác động đến tâm lý nạn nhân để khủng bố tinh thần, ép buộc nạn nhân chuyển tiền.

Không chỉ giả mạo các tài khoản cá nhân, nhiều kênh truyền hình chính thống, trang tin tức tổng hợp trên Facebook còn lồng ghép những clip có nội dung xấu, độc, chưa được kiểm chứng vào những clip được thực hiện bởi các cơ quan báo chí, khiến người dùng mạng nhầm tưởng và tin vào các đoạn clip này dù đằng sau nó là những thông tin mập mờ, không rõ nhân vật, ngày tháng hay địa chỉ nơi diễn ra sự việc.

Nguy hiểm hơn, nhiều bản tin còn sử dụng cả phát thanh viên mặc quân phục, cắt ghép logo của An ninh TV và Quốc phòng Việt Nam để đưa tin xuyên tạc về tình hình biển Đông, an ninh, chính trị trong nước và thế giới. Nhiều trang tin còn cắt ghép hình ảnh người này với người kia, cắt ghép ảnh chụp những ngôi biệt thự, siêu xe sang trọng và lấy đó làm “chứng cứ” quy chụp, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Trang Facebook đã vậy, mạng YouTube cũng tràn ngập tin giả. Chính sách chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo, trả tiền cho những clip có lượng view từ 100.000 trở lên đã biến YouTube trở thành MXH đăng tải các đoạn video, clip lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn thông tin trên MXH này cũng không đáng tin cậy. Điều nguy hại là những đoạn clip xấu, độc này không chỉ khiến người dùng mạng hoang mang, mất niềm tin mà còn tạo ra hiệu ứng đám đông tiêu cực bằng chính những cú click chia sẻ thiếu trách nhiệm.

Đặc biệt, ngày 04/10 vừa qua, MXH xôn xao đoạn ghi âm được cho là của Đại tá Đinh Văn Nơi với “cựu bí thư tỉnh ủy” xoay quanh việc không đón công dân về địa phương. Đoạn clip sau đó được nhiều người chia sẻ và bình luận xôn xao. Công an tỉnh An Giang đã xác định file ghi âm này đã qua “công nghệ cắt ghép”, nội dung bình luận của trang Facebook "Hoàng Dũng" về file ghi âm là bịa đặt.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, vẫn có nhiều trang MXH trong và ngoài nước chia sẻ thông tin sai sự thật này. Ngoài ra, nhiều trang mạng còn cố tình cắt ghép và dàn dựng thành các clip, bài viết khác nhau để tiếp tục chia sẻ, bình luận nhằm tiếp tay cho hành vi chống phá, xuyên tạc của những kẻ phản động.

Trước tình hình các thông tin hình ảnh, âm thanh giả mạo xuất hiện tràn lan và phức tạp, người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin, không chia sẻ, bình luận các clip không rõ nguồn gốc./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết