Tiếng Việt | English

26/04/2025 - 07:15

Khởi nguồn sự đồng điệu trong thơ và nhạc

Nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục hẳn là không hề xa lạ với người yêu thơ, yêu nhạc bởi cả 2 người đều có những tác phẩm nổi tiếng suốt nhiều thập kỷ. Trong đó có tác phẩm Vàm Cỏ Đông, một bài thơ hay, được âm nhạc "chắp thêm đôi cánh" và đã trở thành một biểu trưng không thể thiếu của vùng đất tỉnh Long An. Hai người con xứ Quảng chưa từng gặp mặt nhau lại tìm thấy sự đồng điệu trong cảm xúc về mảnh đất Long An để tạo nên sự thăng hoa trong nghệ thuật.

Nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục là 2 người con xứ Quảng nặng lòng với quê hương Long An

“Tôi xem mình là một người con của Long An”

Nhiều thế kỷ trôi qua, bài thơ và nhạc phẩm Vàm Cỏ Đông in sâu vào tâm thức người Long An. Và rồi vùng quê Long An cũng dần trở thành “quê hương thứ 2” của 2 người con xứ Quảng: Nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục. “Tôi từng gắn bó với Long An và dành nhiều tình cảm cho vùng đất này. Tôi cũng tự xem mình là một người con của Long An”, nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ. Có lẽ chính vì xem mình là một người con của Long An nên Hoài Vũ dành rất nhiều tình cảm cho vùng quê ấy. Khá nhiều tác phẩm của ông đều mang dáng dấp, tình cảm dành cho đất và người Long An:

Dù đi đâu và xa cách bao lâu,

Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát

Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát

Anh vẫn nghe tình em hương tràm xôn xao.

(bài thơ Đi trong hương tràm).

Dù có đi đâu thì người con xứ Quảng vẫn mang lòng hình bóng lá tràm xanh và “ánh mắt em” hiền! Ánh mắt ấy, được cho là của nữ cán bộ cách mạng Bảy Nhàn, một cây viết trẻ tài năng từng gia lớp đào tạo những người viết trẻ ở chiến trường Long An vào năm 1968 do chính nhà thơ giảng dạy. Câu chuyện tình yêu chỉ dừng lại ở ánh nhìn tha thiết đã vun thêm tình yêu Long An trong lòng nhà thơ Hoài Vũ. Những yêu dấu dành cho đất, cho người Long An được ông gửi hết vào những vần thơ giàu cảm xúc như Chia tay hoàng hôn, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thì thầm với dòng sông, Đi trong hương tràm, Nàng Thơm,...

Rồi dòng cảm xúc chân thành ấy được nhiều nhạc sĩ đồng cảm và phổ nhạc. Các nhạc phẩm: Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục phổ nhạc); Anh ở đầu sông em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc); Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông (Thuận Yến phổ nhạc);... góp phần giúp bè bạn khắp nơi biết thêm về vùng quê “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Thì thầm với dòng sông là tập thơ thể hiện đậm nét tình yêu Long An của nhà thơ Hoài Vũ

Sự đồng cảm trong nghệ thuật

Nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ rằng: “Hoài Vũ là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc bậc nhất trong cả nước. Có lẽ do chính những vần thơ của ông rất giàu tính nhạc và cảm xúc. Cũng chính vì đồng cảm với câu hỏi ngọt ngào “Ở tận sông Hồng em có biết/ quê hương anh cũng có dòng sông?” mà tôi sáng tác bài hát Vàm Cỏ Đông chỉ trong vòng 1 giờ. Rồi sau này, tôi mới nhận ra, tôi và Hoài Vũ có nhiều điểm tương đồng, chúng tôi cùng quê, sau nhiều ngã rẽ cuộc đời thì cùng làm báo và cùng yêu quê hương Long An”.

Bài hát Vàm Cỏ Đông với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, chan chứa tình quê nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong âm nhạc cách mạng miền Nam. Âm nhạc của Trương Quang Lục như thổi thêm sức sống cho những vần thơ Hoài Vũ. Giai điệu bài hát vừa có sự trữ tình, da diết của dân ca Nam Bộ, vừa mang khí chất hào hùng, kiên trung của con người Long An trong kháng chiến. Sự kết hợp tài tình giữa thơ ca và âm nhạc đã tạo nên một Vàm Cỏ Đông có sức sống mãnh liệt, đi vào lòng người một cách tự nhiên và sâu sắc.

Ngoài Vàm Cỏ Đông, nhạc sĩ Trương Quang Lục còn phổ nhạc bài thơ Nàng Thơm của nhà thơ Hoài Vũ. Bài hát với giai điệu mượt mà, êm ái như những cánh đồng Nàng Thơm miền hạ đã tạo nên một nét duyên riêng cho bài hát:

Ơi cây lúa trên đồng ta thương quá

Những Nàng Thơm vàng mơ óng ả

Như con người một tấc quyết không đi

Bám trụ cùng ta trong kháng chiến trường kỳ.

Ở độ tuổi 90, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn không ngại đường xa, ông thường dành thời gian về thăm lại Long An, gặp gỡ người quen cũ và chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác cũng như tình cảm của mình dành cho mảnh đất Long An.

Tình yêu của 2 người con Quảng Ngãi tài hoa dành cho Long An vốn thể hiện rất rõ trong từng lời thơ, điệu nhạc. Những bài thơ, nhạc phẩm của 2 ông đã quảng bá hình ảnh Long An đến khắp mọi miền đất nước. Những đóng góp ấy được Long An ghi nhận bằng Giải thưởng Nguyễn Thông danh giá dành cho nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Mảnh đất Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" có thể được xem là “mối lương duyên” để 2 người con xứ Quảng tìm thấy sự đồng điệu trong cảm xúc nghệ thuật, để rồi từ đó cùng nhau tạo nên những tác phẩm được xem là biểu tượng của Long An./.

Thu Lam

Chia sẻ bài viết