Năm 2021 đang chuẩn bị kết thúc với một loạt sự kiện: đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, suy thoái kinh tế trên toàn cầu và sự xấu đi nghiêm trọng của địa chính trị, với căng thẳng gia tăng từ Trung Đông, đến Đông Âu và Eo biển Đài Loan. Các hoạt động quân sự đang diễn ra rầm rộ và cán cân quyền lực có xu hướng chuyển dịch ở nhiều khu vực.
Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ. Ảnh: US Navy.
Theo giới phân tích, năm 2022 xu hướng này vẫn có thể tiếp diễn, đặc biệt ở châu Á - Thái Bình Dương – nơi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh mở rộng tầm ảnh hưởng. Quan hệ Mỹ-Trung được dự đoán sẽ có một khởi đầu tĩnh lặng trong năm 2022 khi Thế vận hội mùa Đông diễn ra ở Bắc Kinh, bởi Trung Quốc sẽ tìm cách ổn định tình hình vì muốn sự kiện được tổ chức một cách thành công. Về phía Mỹ, mặc dù cáo buộc Bắc Kinh lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, nhưng Washington sẽ hành động thông qua biện pháp ngoại giao, tức là không cử phái đoàn đại diện chính thức tham dự kỳ thế vận hội này.
Tuy vậy, sau khi sự kiện kết thúc và những huy chương cuối cùng được trao, mọi thứ sẽ bắt đầu nóng lên. Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tập trung vào hai khía cạnh chính: chạy đua vũ trang dựa trên công nghệ tiên tiến và các động thái mới của cả Washinton lẫn Bắc Kinh trên mặt trận ngoại giao.
Về khía cạnh quân sự, Trung Quốc đang tiến công trên 3 mặt trận then chốt. Mặt trận đầu tiên khiến Mỹ lo ngại nhất là sản xuất và thử nghiệm tên lửa siêu thanh. Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại, vừa có tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ âm thanh vừa có khả năng cơ động giống tên lửa hành trình. Mỹ không có phương tiện đáp trả hiệu quả trong hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này, vì thế Washington đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh để răn đe và bảo vệ tốt hơn các hệ thống phòng không. Trong đó, có cả giải pháp chế tạo vũ khí năng lượng định hướng bằng laser.
Hình ảnh tên lửa siêu thanh mới Trung Quốc trong video ngày 25/9. Ảnh: SCMP.
Thứ 2, Trung Quốc đang mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân chiến lược của nước này. Mặc dù chỉ đứng sau Mỹ và Nga về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, nhưng Bắc Kinh được cho là đang chế tạo nhiều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hiện đại hơn và tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa đa đầu đạn. Nga và Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc hạn chế mở rộng kho vũ khí và tham gia vào Đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược (SALT), nhưng Bắc Kinh đã từ chối đề nghị này.
Nỗ lực thứ 3 của Trung Quốc cũng thu hút sự quan tâm của Mỹ đó là đẩy nhanh chương trình đóng tàu chiến. Dù sở hữu nhiều tàu chiến hơn Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn có ý định thu hẹp khoảng cách về sức mạnh hải quân bằng cách chế tạo các siêu tàu sân bay hạt nhân. Bắc Kinh đã phát triển nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có khả năng hoạt động từ tàu sân bay của nước này, đồng thời dự đoán và mô hình hóa các hành vi của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Khi Chủ tịch Trung Quốc tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 vào mùa Thu năm 2022, ông có thể giới thiệu những thành tích mà nước này đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, y tế, ngoại giao và trên hết là quân sự. Những tiến bộ đó sẽ giúp ông đảm bảo thêm một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm nữa và củng cố tham vọng đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng quân đội ưu việt nhất thế giới vào giữa thế kỷ này. Giới phân tích cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc trên 3 mặt trận sẽ được đẩy mạnh vào năm 2022.
Về phía Mỹ, sẽ có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển các công nghệ và hệ thống quân sự mới để đối phó Trung Quốc cũng như chống lại các khả năng mới của quân đội nước này. Đứng đầu danh sách ưu tiên của Mỹ sẽ là dòng vũ khí siêu thanh chất lượng cao và cả vũ khí chống phương tiện siêu thanh. Cả hai loại này đều đang trong giai đoạn nghiên cứu. Mỹ cũng sẽ tăng cường khả năng tác chiến không gian mạng vốn được cho là sẽ phát huy hiệu quả trong một cuộc xung đột.
Về lĩnh vực không gian vũ trụ, Mỹ vẫn có lợi thế vượt trội so với Trung Quốc. Washington sẽ đảm bảo cung cấp nguồn lực mạnh mẽ cho Lực lượng Không gian Mỹ để duy trì vị thế dẫn đầu. Hiện, Bộ Quốc phòng Mỹ đang báo hiệu sẽ gia tăng ngân sách cho các lực lượng và phương tiện trong không gian.
Về mặt ngoại giao, cả hai nước sẽ tìm cách củng cố các mối quan hệ hiện có. Đối với Trung Quốc sẽ là thắt chặt quan hệ với Nga. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Sáng kiến Vành đai-Con đường, mở rộng ảnh hưởng dọc các tuyến đường thương mại quan trọng xuyên Ấn Độ Dương, mua các cảng biển hay xây dựng thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài, chẳng hạn như căn cứ mới tại vùng Sừng châu Phi để hỗ trợ các hoạt động hàng hải.
Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển nhóm Bộ Tứ kim cương (gồm các thành viên Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia), chú trọng vào các lực lượng không quân, thủy quân lục chiến và các trung tâm hậu cần trên khắp châu Á. Washington nhiều khả năng sẽ khuyến khích các nước khác trong khu vực như Singapore và Hàn Quốc phối hợp với nhóm Bộ Tứ, đồng thời tận dụng mối quan hệ hợp tác bền chặt tại châu Âu, đặc biệt là trong liên minh NATO để khuyên khích đồng minh như Anh, Pháp, Đức tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Nhà Trắng dự định công bố Chiến lược Trung Quốc vào đầu năm 2022 – vốn được mong đợi từ lâu.
Trên cả khía cạnh công nghệ quân sự và ngoại giao, hai cường quốc sẽ cạnh tranh gay gắt. . Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh một cuộc xung đột, nhưng khi hai bên liên tục phát triển vũ khí và chạy đua sức mạnh quân sự để giành lợi thế, khả năng xảy ra một tính toán sai lầm sẽ gia tăng. Với những dự đoán nêu trên, năm 2022 được cho là một năm đầy thách thức ở châu Á./.
VOV.VN(Theo Nikkei)