Ảnh minh họa
Thế là, sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc dừng đấu giá công khai chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo và các yêu cầu cho việc chuyển giao di sản, chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã trở về cố hương sau ngót 3/4 thế kỷ lưu lạc xứ người. Một thương gia Việt Nam đã sang Pháp đấu giá thành công chiếc ấn này và chiều ngày 16/11/2023 (giờ địa phương), buổi lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam đã diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, Pháp.
Tạp chí sử học Xưa&Nay trong số chuyên đề Tìm trong di sản ra tháng 01/2023, ở trang bìa có in hình chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo bằng vàng ròng hình vuông, mỗi cạnh 12,8cm và dày 2cm. Điểm nhấn của chiếc ấn là hình con Rồng khoanh quanh chiếc đầu có hai sừng nhô lên cao, giữa trán có chữ Vương (vua) khắc chìm cùng nhiều chi tiết khác.
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (do nội các triều Nguyễn biên soạn), ấn này được đúc bằng vàng ròng vào ngày 04/02 năm Minh Mạng thứ 4 (ngày 15/3/1823), trọng lượng 10,7kg. Trong một bài hồi ký của Giáo sư Trần Huy Liệu về việc ông được cử vào Huế nhận lễ thoái vị của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, vua Bảo Đại tuyên bố: “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ” và đã bàn giao ấn kiếm của vương quyền triều Nguyễn cho người đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào một ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi nhận thanh kiếm thấy cũng nhẹ tay, tới chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo, Giáo sư Trần Huy Liệu suýt mất thăng bằng vì không ngờ quả ấn nặng đến thế. Rồi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp quay lại tái xâm lăng nước ta, ấn, kiếm ấy lại rơi vào tay thực dân Pháp khi chúng tấn công bất ngờ vào đơn vị đang giữ 2 báu vật trên.
Sau khi thực dân Pháp đưa Bảo Đại trở lại ngôi vua bù nhìn, ấn, kiếm ấy lại về tay Bảo Đại cho tới lúc Ngô Đình Diệm lật đổ ngôi vua, Bảo Đại phải chạy sang Pháp tị nạn mà không kịp mang theo ấn, kiếm. Để rồi, nhà văn hóa xứ Huế - Nguyễn Đắc Xuân phải mang ấn, kiếm đó sang Pháp trao cho Hoàng hậu Nam Phương và con trai cả là thái tử Bảo Long gìn giữ.
Cuộc sống ở Pháp quá túng thiếu, Bảo Long đã bán thanh kiếm báu của vương triều Nguyễn, còn lại ấn Hoàng đế chi bảo. Bảo Đại đã kiện ông con Bảo Long ra tòa án Pháp mới đòi lại được sau khi tòa án Pháp xử Bảo Đại thắng kiện, buộc Bảo Long phải trả lại ấn vàng cho cha mình. Bảo Đại cưới thêm một người vợ Tây (người vợ cuối cùng của ông) rồi trao tặng chiếc ấn 10,7kg vàng ròng cho vợ giữ, trước khi ông lìa đời trên đất Pháp. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cuối cùng, chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo bị đưa ra đấu giá tại Pháp bởi Nhà đấu giá Delon-Hoebanx.
Nhận thức đúng đắn về giá trị một cổ vật đang lưu lạc ở xứ người và có nguy cơ mất vào tay người nước ngoài nên đã có một doanh nhân Việt Nam đem tiền, bay sang Pháp tham gia đấu giá và đã thành công, đưa cổ vật trở về hiến tặng cho nhà nước Việt Nam. Tạp chí sử học Xưa&Nay số 547 tháng 01/2023 thông tin thêm: Thời gian qua đã có những nỗ lực to lớn của Nhà nước và các tầng lớp xã hội tìm cách để đưa cổ vật về nước. Đặc biệt là sau Đại hội Văn hóa toàn quốc, đã tiếp thêm nguồn động lực và lan tỏa cảm hứng mang tính trách nhiệm chung của toàn xã hội đối với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại gắn liền với việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của dân tộc...
Theo Tạp chí này, tháng 4/2015, chiếc xe kéo tay hơn 100 tuổi của Hoàng thái hậu Từ Minh đã được đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, bên trong Hoàng cung Huế. Đây là cổ vật đầu tiên của Việt Nam được một tổ chức nhà nước tham gia đấu giá công khai ở nước ngoài và đã thành công. 7 năm sau, vào tháng 4/2022, 2 cổ vật khác của triều Nguyễn là chiếc mũ quan đại thần và chiếc áo nhật bình đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sau khi Tập đoàn Sunsine đấu giá thành công ở Tây Ban Nha và đem về hiến tặng lại cho Huế.
Tạp chí Xưa&Nay nhận định: Đây mới là một ít trường hợp tham gia đấu giá thành công trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thành công ấy là vô cùng ít ỏi, bởi hàng ngàn, hàng vạn cổ vật Việt Nam đã và đang bị rao bán hàng ngày trên nhiều sàn đấu giá cổ vật trên khắp thế giới mà kết quả phần lớn trong số đó đều không quay về lại Tổ quốc.
Là quốc gia có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đa dạng, thế nhưng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn bộ hệ thống bảo tàng của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 4 triệu hiện vật, và mới chỉ có 238 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia - con số quá khiêm tốn so với những gì đã có. Bởi rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đã bị cướp bóc, hủy hoại do chiến tranh và các biến động lịch sử,...
Chúng ta ghi nhận tấm lòng yêu nước của những người Việt Nam đã không ngại tốn kém, cất công ra nước ngoài để mua lại hoặc tham gia đấu giá thành công cổ vật Việt Nam để đem về, hiến tặng cho Nhà nước ta nhằm đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc. Cũng có kiều bào sống lâu năm ở nước ngoài đã cất công sưu tầm hoặc mua lại, đấu giá thành công, đưa cổ vật về Bảo tàng Quốc gia, trong đó có những bản đồ cổ có giá trị lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi được.
Cổ vật quốc gia dù niên đại và xuất xứ khác nhau nhưng đều chứa đựng những giá trị to lớn góp phần làm giàu cho kho tàng văn hóa, lịch sử dân tộc, chính vì thế, nhiều cổ vật được xếp hạng là Bảo vật quốc gia./.
Quang Hảo