Tiếng Việt | English

06/01/2025 - 14:07

Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: 'Chiếc nôi' di sản (Bài 1)

Long An được xem là "chiếc nôi" của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vì vùng đất này có nhiều tài tử nổi danh; những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ĐCTT Nam Bộ ít nhiều đều gắn bó với Long An. Từ những dấu ấn lịch sử sâu đậm đến những nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đang viết tiếp câu chuyện bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài 1: “Chiếc nôi” di sản

Long An không chỉ là một trong những điểm sáng của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ mà còn được xem là “chiếc nôi” nuôi dưỡng và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đất Long An đã sản sinh ra nhiều tài tử, nghệ nhân nổi danh, đồng thời chứng kiến những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Ngược dòng lịch sử, trước khi Nguyễn Quang Đại (thầy Ba Đợi) vào Nam, nhạc tài tử đã có ở Nam Bộ. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Đồng, nhạc tài tử Nam Bộ ở Long An xuất phát từ những nông dân biết đờn kiểu nghiệp dư trong đoàn người Việt (vùng Thuận Quảng) vào Long An, Nam Bộ khai phá, định cư.

Nâng đờn ca tài tử lên tầm bác học

Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thầy Ba Đợi theo phong trào Cần Vương vào Nam truyền dạy âm nhạc, trong đó có vùng Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm, phổ biến và truyền bá nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Thầy Ba Đợi cùng các nghệ nhân tên tuổi đương thời sưu tầm, nghiên cứu, hệ thống hóa bài bản tài tử, nới rộng khuôn nhịp để sáng tạo thêm chữ đờn, làm cho bản nhạc thêm phong phú, hấp dẫn. Chính những đóng góp này khiến ông được giới tài tử tôn vinh là hậu tổ của ĐCTT Nam Bộ.

Sau khi thầy Ba Đợi qua đời tại Bình Đông (nay thuộc quận 8, TP.HCM), năm 1996, linh vị của ông được rước về thờ phụng tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước), một địa điểm gắn liền với nhiều hoạt động ĐCTT cho đến ngày nay.

Hàng năm, nghệ nhân, tài tử từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đều quy tụ về đình Vạn Phước (huyện Cần Đước) để tưởng nhớ nhạc sư Nguyễn Quang Đại

Các học trò xuất sắc của thầy Ba Đợi tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau, tạo nên một dòng chảy liên tục của tài năng. Đến ngày nay, vùng Cần Đước nói riêng và Long An nói chung vẫn có những nghệ nhân, tài tử được giới mộ điệu mến phục như câu truyền tụng “Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò” cùng với những tên tuổi như Sáu Thoàng, Ba Tu, Út Bù, Tám Toàn,…

Đến năm 1926, nghệ nhân Trần Phong Sắc và nghệ nhân Lê Văn Tiếng của Long An lại phối hợp tạo nên dấu mốc lịch sử quan trọng khác, nâng bộ môn ĐCTT Nam Bộ lên tầm bác học, với việc cho ra đời quyển sách Cầm ca tân điệu - sách gối đầu giường của giới chơi ĐCTT Nam Bộ lúc bấy giờ.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ nhận định: “Từ đó (thời điểm Cầm ca tân điệu ra đời) về sau, việc truyền dạy ĐCTT không bị tam sao thất bổn, phát triển rộng mạnh khắp các vùng, miền trong cả nước. Cầm ca tân điệu có thể xem là dấu mốc quan trọng định hình phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa mang tính hàn lâm bác học”.

Năm 2023, Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân

Sách Cầm ca tân điệu được nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ lưu giữ

Ươm mầm nhiều bậc tài danh

Long An cũng là nơi ươm mầm cho nhiều tài danh của ĐCTT Nam Bộ, trong đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bài Dạ cổ hoài lang được người đời sau truyền tụng. Phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, nơi ươm mầm tài năng của ông lại chính là làng Thuận Lễ, tỉnh Gia Định (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành).

Ông lớn lên trong tiếng đờn bổng trầm của cha và ông nội. Cha và chú của Cao Văn Lầu là Bảy Soi và Chín Giỏi, đều là những nghệ nhân nhạc lễ, nhạc hát bội có tiếng vùng Tân An xưa. Đến năm nhạc sĩ Cao Văn Lầu 4 tuổi, do không chịu nổi áp bức của thực dân Pháp trên quê hương, gia đình ông rời quê, theo đường thủy xuôi về phía Nam sông Hậu và dừng chân ở vùng đất Bạc Liêu.

Cần Đước, Long An cũng là quê hương của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nhạc sư Ba Tu. Ông là người có năng khiếu nghệ thuật đặc biệt, có thể sử dụng thành thạo hầu hết các nhạc khí trong dàn nhạc lễ, nhạc tài tử Nam Bộ (trừ nhạc khí thuộc bộ hơi), trong đó, điêu luyện nhất là đờn tranh, đờn kìm và đờn cò. Tài năng âm nhạc của nghệ nhân, nhạc sư Ba Tu còn thể hiện trên lĩnh vực sân khấu cải lương. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT từ khi còn cộng tác với dàn nhạc sân khấu cải lương nhà hát Trần Hữu Trang.

Ngày còn trẻ, ông từng học qua nhiều thầy giỏi, trong đó có nhạc sư Bảy Quế (cha của Nghệ nhân Ưu tú Út Bù), một trong những bậc thầy nhạc lễ và nhạc tài tử Nam Bộ. Ông có khả năng sử dụng điêu luyện hầu hết các nhạc cụ trong 2 dòng nhạc này và cũng có công truyền bá, phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ khi truyền dạy cho nhiều môn đệ. Đặc biệt, Bảy Quế có ngón đờn tranh độc đáo, được giới tài tử truyền tụng qua câu phương ngôn: Tiếng đồn Cần Đước nổi danh/ Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò.

Theo Đề án Bảo vệ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn I (2024-2026) và tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1975 là thời kỳ phát triển cực thịnh của nhạc tài tử ở Long An. Một thế hệ nhạc sĩ tài danh ra đời trong thời kỳ này như Chín Kỳ, Hai Biểu, Tư Huyện, Bảy Quế, Năm Giai,... đã khơi dậy phong trào ĐCTT trên khắp Nam Bộ. Đóng góp lớn của nhạc tài tử ở Long An trong thời kỳ này là trong khi những nơi khác còn chơi theo nhịp 4 thì ở đây đã chơi theo nhịp 8. Nhờ chọn lối cải biên phù hợp với quy luật vận động và phát triển khách quan của xã hội nên ĐCTT Nam Bộ được bảo tồn đến ngày nay.

Với từng ấy đóng góp, Long An xứng đáng được xem là “chiếc nôi” của ĐCTT Nam Bộ, nơi để mỗi năm một lần, các tài tử khắp nơi đều tìm về, hội ngộ cùng nhau, bên tiếng đờn, lời ca ở sân đình Vạn Phước./.

(còn tiếp)

Quế Lâm

Tài liệu tham khảo:

- Sách ĐCTT Nam Bộ, tác giả Võ Trường Kỳ

- Bài viết Bước đầu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tác giả Hải Đăng

- Sách Góp nhặt vài nét văn hóa dân gian, tác giả Đỗ Văn Đồng

- Đề án Bảo vệ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn I (2024 - 2026) và tầm nhìn đến năm 2030.

Bài 2: Nghệ nhân và nỗi lo “cơm áo”

Chia sẻ bài viết