Tiếng Việt | English

10/08/2016 - 17:16

Chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Được đánh giá là đơn vị mạnh của tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên và những người nghi phơi nhiễm. Từ đó, Hội góp phần chia sẻ, hỗ trợ và động viên những người có hoàn cảnh kém may mắn.


Nạn nhân chất độc da cam, người nghi phơi nhiễm huyện Thủ Thừa nhận quà từ mạnh thường quân

Trong căn nhà tình thương vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện hỗ trợ xây tặng vào những tháng đầu năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Thoàng, ngụ xã Mỹ An có chỗ che nắng, che mưa. Hàng ngày, người đàn ông này phải chăm sóc đứa con gái 19 tuổi bị liệt toàn thân. Vừa lau tay cho con, ông ngậm ngùi kể: “Vợ chồng tôi có 3 người con, nó là con út. Năm nó lên 3 tuổi thì phát bệnh. Vợ chồng tôi dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng chạy chữa cho con. Nhưng đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu từ bác sĩ,... Từ đó, đôi chân nó ngày càng teo tóp và phải nằm liệt giường. Từ ngày con bệnh, vợ tôi bỏ mấy cha con tôi ra đi, đến nay cũng gần 15 năm."

2 người con lớn hiện lập gia đình và ở riêng, cuộc sống cũng túng thiếu nên không thể đỡ đần gì cho ông. Toàn bộ chi phí, sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước, của Hội Nạn nhân chất độc da cam xã và huyện Thủ Thừa. Dù cuộc sống khó nhọc, sống với đứa con bạo bệnh nhưng với ông, mỗi ngày được nhìn thấy con cười, ăn, ngủ được là ông yên lòng.

Di chứng từ CĐDC để lại cho em Phạm Kim Trọn, ở xã Mỹ Thạnh nhiều bất hạnh. Hiện nay, dù bước sang tuổi 25 nhưng Trọn không khác gì một đứa trẻ. Em không nhận thức được và không hiểu gì về cuộc sống hiện tại. Vì vậy, từ ngày em chào đời cho đến nay, ba mẹ phải thường xuyên thay nhau chăm sóc. Nhà có ít ruộng đất, lại chăm lo đứa con bị dị tật, ba mẹ em phải làm quần quật mới mong có thể duy trì cuộc sống.

Ba em - ông Phạm Văn Vảng chia sẻ, cuộc sống tuy vất vả nhưng gia đình ông nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhất là Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện nên cũng thấy ấm lòng. Hàng tháng, thông qua sự vận động của Hội, một mạnh thường quân tại thị trấn Thủ Thừa nhận nuôi dưỡng thường xuyên cho Trọn. Nhờ đó, gia đình em vơi bớt nỗi nhọc nhằn.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin huyện Thủ Thừa - Trần Thị Láng cho biết, toàn huyện hiện có 11/13 Hội cơ sở, 35 Nạn nhân chất độc da cam và hơn 600 người nghi phơi nhiễm. chất độc da cam từ lâu trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, để lại những nỗi đau về mặt thể xác và tinh thần cho các gia đình. Thấu hiểu và chia sẻ với những mất mát ấy, bản thân bà cùng Huyện hội vận động mạnh thường quân thường xuyên thăm, tặng quà các đối tượng.

Tính từ đầu năm đến nay, Hội trợ cấp quà, học bổng, khám, chữa bệnh, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương, nuôi dưỡng thường xuyên,... cho các đối tượng lên đến gần 2 tỉ đồng. Chính từ những việc làm ấy, không chỉ động viên các Nạn nhân chất độc da cam, người nghi phơi nhiễm mà còn giúp Huyện hội đạt thành tích cao, được chọn tham dự Đại hội thi đua Vì Nạn nhân chất độc da cam toàn quốc lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Riêng kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016), Huyện hội phối hợp chính quyền địa phương đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà cho 35 Nạn nhân chất độc da cam./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết