Truyền thông về tác hại của thuốc lá (Ảnh minh họa: Internet)
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Tường - Nguyễn Ngọc Mẫn cho biết: “Đã phát hiện trường hợp HS sử dụng TLĐT. Vì vậy, ngoài công tác chuyên môn, các thầy, cô còn phải quản lý chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện HS sử dụng TLĐT để phối hợp gia đình khuyên bảo, giúp đỡ các em tránh xa loại sản phẩm độc hại này. Trường cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến các em. Tuy nhiên, trường gặp không ít khó khăn trong hoạt động này vì thuốc lá thế hệ mới bán tràn lan trên mạng, các em rất dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các loại thuốc lá này có nhiều mẫu mã, chủng loại, mùi vị, hình thức sử dụng, quảng cáo bắt mắt nên các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, TLĐT, TLNN tác hại giống thuốc lá truyền thống, tiềm ẩn nguy cơ và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh, thiếu niên; đồng thời, gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, KT-XH. Để kịp thời ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.
Với mục đích tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói riêng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng có công văn đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá truyền thống, TLĐT, TLNN và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm này tại cơ quan, công sở, nhất là tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng TLĐT, TLNN.
Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong đối tượng học sinh (Ảnh minh họa: Internet)
Sở Y tế cần phối hợp các cơ quan truyền thông, đơn vị liên quan kịp thời phổ biến, thông tin về tác hại của TLĐT, TLNN đến công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn; lồng ghép tuyên truyền tác hại của TLĐT, TLNN trong các cuộc họp, hội thảo, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
Sở Y tế tăng cường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cho HS, sinh viên, cán bộ, giáo viên. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân trong cộng đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các trường học trên địa bàn tỉnh đề nghị sử dụng “Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới cho HS phổ thông” làm tài liệu tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, HS, sinh viên; tổ chức vận động đăng ký “Cam kết không hút thuốc lá”.
Các trường tăng cường công tác truyền thông, phổ biến về tác hại của sử dụng thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới đến sinh viên, HS, học viên; tiếp tục duy trì xây dựng ngôi trường không khói thuốc lá; tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Các trường phối hợp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể truyền thông cho cha mẹ HS về tác hại của thuốc lá thế hệ mới; phối hợp gia đình phát hiện, ngăn chặn kịp thời sử dụng thuốc lá trong HS; vận động các tiệm, quán xung quanh trường học không bán thuốc lá cho HS./.
Thanh Bình