Tiếng Việt | English

09/08/2019 - 08:51

Chung tay vì cuộc sống xanh

Những năm gần đây, sống xanh là xu hướng mới trong cuộc sống hiện đại. Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực như trồng cây xanh, tuyến đường xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn,... được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Long An triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ cuộc sống.

Những công trình xanh

Những ngày đầu tháng 8, về xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, được tận mắt thấy cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia dọn cỏ, làm đất, trồng hoa, xây dựng đường hoa nông thôn mới, chúng tôi cảm thấy phấn khởi. Với phương châm “trồng hoa thay cỏ dại”, công trình “Đường hoa biên giới” được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã thực hiện từ đầu năm 2018 đến nay. 

Tuyến đường xanh, sạch, đẹp góp phần nâng chất tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới

Tuy được thực hiện thời gian ngắn nhưng công trình nhận được sự tham gia nhiệt tình của tất cả hội viên phụ nữ và bước đầu tạo được hiệu ứng tốt với người dân. Những bông hoa mười giờ, quỳnh anh, cúc, mào gà,... rực rỡ, đủ sắc màu khiến ai có dịp về xã biên giới và đi ngang qua tuyến đường hoa này đều tấm tắc ngợi khen. Với mong muốn xây dựng đường hoa nông thôn sạch, đẹp, các hội viên phụ nữ phân công nhau dọn cỏ dại, vun đất trồng hoa.

Các tuyến đường hoa góp phần tạo nên cảnh quan môi trường

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Khánh Hưng - Hồ Thị Phương Hằng chia sẻ: “Khu vực này trước đây cỏ dại mọc, một số người đi đường vứt rác bừa bãi. Từ khi được các chị em cải tạo trồng hoa, cảnh quan môi trường thêm sạch, đẹp và bảo đảm hành lang an toàn giao thông. Mô hình góp phần giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Đi đôi với mô hình này, hội còn thực hiện công trình với tên gọi khá lãng mạn là “Hoàng hôn màu lá xanh” dài gần 1km từ năm 2016 đến nay. Công trình góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện việc nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cứ sau 17 giờ ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, các chị cùng nhau quét dọn lá cây, thu gom rác trên đường và vỉa hè, mang lại vẻ sạch, đẹp, thoáng mát cho tuyến đường. Mô hình không chỉ nâng cao ý thức của hội viên cũng như người dân về việc bảo vệ môi trường mà còn là điều kiện để các chị em góp sức làm việc có ý nghĩa cho địa phương.

Các mô hình do Hội LHPNVN xã Khánh Hưng thực hiện không chỉ hướng tới cuộc sống xanh, tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần nâng chất tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hành động vì cuộc sống xanh

Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPNVN huyện Châu Thành triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có mô hình Phân loại rác tại nguồn tại 13 xã, thị trấn của huyện. Theo đó, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ nhằm ngăn ngừa những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. 

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn nhằm ngăn ngừa những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội LHPNVN huyện phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức 3 lớp tập huấn về các bước phân loại rác thải, có hơn 300 hội viên dự. Hội còn tặng 500 giỏ đựng rác cho gia đình hội viên từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đặc biệt, Hội LHPNVN xã Bình Quới thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ thân thiện với môi trường” với 18 thành viên.

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Bình Quới - Trương Thị Kim Yến cho biết: “Trước đây, hội viên và người dân trong xã đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhưng hiệu quả chưa cao. Khi thành lập câu lạc bộ này, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người dân phân loại rác thải tại các hộ gia đình; giữ gìn cảnh quan môi trường; chăm sóc các tuyến đường xanh,sạch, đẹp. Từ đó, nhận thức và hành vi của hội viên, người dân thay đổi tích cực và cùng hành động vì cuộc sống xanh”. 

“Việc phân loại rác được gia đình tôi thực hiện từ nhiều năm nay. Đối với rác hữu cơ thì làm phân bón cho cây, rác vô cơ thì gom về khu xử lý tập trung. Bên cạnh đó, tôi còn thu gom những phế liệu có thể tái chế được như chai nhựa, vỏ lon bia, giấy vụn,...” - bà Trần Thị Lệ Mỹ (ấp Bình Sơn, xã Bình Quới) chia sẻ.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Trong nhịp sống hiện đại, nhựa và các sản phẩm từ nhựa được nhiều người sử dụng bởi sự tiện lợi, chi phí rẻ, nhất là túi nylon. Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nylon cũng vì thế mà ngày càng nghiêm trọng, gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, Đoàn Thanh niên xã Thanh Phú, huyện Bến Lức triển khai thực hiện mô hình Túi giấy thân thiện để thay thế túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Đây được xem là một trong những cách đơn giản nhất để giảm thiểu việc xả rác thải nhựa ra bên ngoài.

Túi được làm từ giấy tái chế thân thiện với môi trường

Bí thư Đoàn xã Thanh Phú - Nguyễn Thị Thu Kiều cho biết: “Thực hiện phong trào chống rác thải nhựa năm 2019, Ban Chấp hành Đoàn xã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình Túi giấy thân thiện nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng làm cho môi trường ngày càng sạch và xanh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên và người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nylon khó phân hủy, góp phần nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới”.

Để mô hình triển khai hiệu quả, Đoàn xã vận động các quầy thuốc Tây, điểm bán bánh mì, xôi,… trên địa bàn thay thế sử dụng túi nylon bằng túi giấy. Qua đó, góp phần làm giảm rác thải khó phân hủy ra môi trường. Các chi đoàn đẩy mạnh tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên và người dân trong việc thay thế túi nylon bằng cách đổi 1kg chất thải nhựa lấy 5 túi giấy thân thiện. Cứ thế, hàng tuần, người dân xã Thanh Phú lại cùng nhau đem bao, túi, thùng đi “đổi rác” lấy túi giấy. Địa điểm trao đổi và nhận túi giấy tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã. Hiện, có hơn 500 túi giấy được Đoàn xã phát ra.

Hy vọng, những tuyến đường hoa của chị em phụ nữ sẽ được nối dài và nhân rộng tại các địa phương để tạo cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm rực rỡ sắc màu và tươi đẹp hơn. Những mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn,… nhận được sự chung tay hưởng ứng của toàn xã hội. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống văn minh trong cộng đồng, hướng tới cuộc sống xanh, sạch, đẹp trong tương lai./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích