Tiếng Việt | English

19/02/2025 - 16:23

Chuyện của những nhân viên công tác xã hội

Tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai”, các nhân viên công tác xã hội (CTXH) không ngần ngại chọn và gắn bó với việc chăm sóc trẻ em không nơi nương tựa, cụ già neo đơn, những người không may bị khiếm khuyết về thân thể lẫn tinh thần,... Với họ, đó không chỉ là công việc mà còn là tình yêu thương và trách nhiệm.

Gần 15 năm gắn bó với Trung tâm CTXH tỉnh Long An, chị Trần Thị Huỳnh Như (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đảm nhận nhiều công việc khác nhau như đưa các bé đi học và chăm sóc các đối tượng đặc biệt không thể tự ăn uống, vệ sinh,... N

hắc đến cơ duyên trở thành nhân viên CTXH, chị Như cho biết: “Nhìn các cụ già neo đơn, các em nhỏ không nơi nương tựa, tôi thương nên nộp đơn xin vào làm ở Trung tâm CTXH tỉnh. Sau này, Trung tâm còn tạo điều kiện cho tôi theo học lớp dạy trẻ tự kỷ ở TP.HCM để hỗ trợ các bé ở Trung tâm. Tôi xem các bé như con cháu của mình”.

Chị Trần Thị Huỳnh Như nhận nhiệm vụ chăm sóc các bé tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Bên cạnh niềm vui được san sẻ yêu thương, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh, chị Như cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình công tác, đó là khi các bé gặp vấn đề tâm lý nên không hợp tác, mất kiểm soát hay khi chăm sóc những cụ ông, cụ bà khó tính. 

Thay vì nóng giận, chị Như thường tìm hiểu nguyên nhân, nói chuyện nhẹ nhàng và động viên các đối tượng. Đôi khi, chị còn hòa giải mâu thuẫn của các đối tượng tại Trung tâm. Dần dần, các đối tượng cảm nhận được tình yêu thương nên cởi mở, hợp tác hơn.

Với chị Như, đã lựa chọn nghề CTXH, chăm sóc các đối tượng đặc biệt thì tuyệt nhiên không có sự phân biệt, kỳ thị mà phải xem họ như người thân của mình. “Chỉ cần các cụ bị xây xát chân tay, chúng tôi cũng cảm thấy xót xa” - chị Như tâm sự.

Nói về mong muốn trong tương lai, chị Như bộc bạch: “Tôi mong có thêm nhiều người quan tâm, hỗ trợ Trung tâm và các đối tượng tại đây. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc, giúp đỡ được nhiều hơn cho những mảnh đời bất hạnh”.

Dù tính chất công việc bận rộn, thường xuyên "đi sớm, về khuya" nhưng may mắn chị được gia đình ủng hộ, hỗ trợ nhiều trong việc chăm sóc các con, phụ giúp việc nhà.

Công tác cùng đơn vị với chị Như, anh Đặng Hữu Thanh Hoài bắt đầu công việc từ năm 2010. Công việc chính của anh là chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng là người cao tuổi và trẻ em chuyện vệ sinh, ăn uống, theo dõi sức khỏe, đưa rước các đối tượng những lúc đi khám, chữa bệnh.

Thời gian đầu làm nhân viên Phòng Y tế chăm sóc phục hồi chức năng, anh Hoài nhận mức lương khoảng 900.000 đồng/tháng và chịu những áp lực vô hình do chưa quen việc. 

Anh Hoài kể: “Ngày trước, tôi nhận nhiệm vụ đưa rước một cụ bà tái khám ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM), do chưa hiểu ý nhau nên cụ giận tôi đôi ba lần. Tôi không nản chí mà tiếp tục chăm sóc, hỏi han cụ, dần dà cụ hiểu tôi nên cũng nhẹ nhàng với tôi hơn”.

Rồi nhiều lúc, các bé thiểu năng lén rời khỏi Trung tâm và đi lạc, anh cùng các đồng nghiệp chia nhau đi tìm, động viên các bé trở lại.

Ngoài chăm sóc các bé, anh Đặng Hữu Thanh Hoài còn chăm sóc các cụ già khuyết tật, neo đơn

"Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ phải nắm vững thì nhân viên chăm sóc cũng cần thấu hiểu tâm tư, tình cảm của từng nhóm đối tượng để có hướng điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là những người lớn tuổi và các bé mắc các bệnh về tâm lý, do các đối tượng này khá nhạy cảm” - anh Hoài nói.

Khi được hỏi vì sao công việc vất vả nhưng chưa từng từ bỏ, anh Hoài dí dỏm đáp: “Tuy vất vả nhưng tôi nghĩ lạc quan được làm gần nhà, không tốn nhiều chi phí và quan trọng nhất vẫn là mong muốn đồng hành cùng những trường hợp khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống”.

Đồng cảm với anh Hoài, vợ và các con anh luôn ủng hộ, chủ động hỗ trợ những công việc khác trong gia đình để anh an tâm công tác.

Trong xã hội hiện đại, những câu chuyện về tình yêu thương, sự sẻ chia của các nhân viên CTXH như một làn gió mát, làm dịu đi những bon chen, xô bồ của cuộc sống. Dù phải đối mặt với nhiều vất vả nhưng họ chưa một lần bỏ rơi những người yếu thế./.

Tuệ Ngân 

Chia sẻ bài viết