Tiếng Việt | English

27/11/2021 - 09:35

Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Long An

Mái nhà chung của người bệnh tâm thần

Những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Long An đã và đang nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, trong đó có người bệnh tâm thần.

Mái nhà chung của người bệnh tâm thần

Người bệnh tâm thần luôn được các cấp, các ngành quan tâm chia sẻ, góp phần giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng

Sưởi ấm những tâm hồn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh - Lê Văn An, hiện nay, Trung tâm nuôi dưỡng 413 đối tượng, trong đó có 360 người tâm thần. Để làm tốt công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm chia thành 3 khu, gồm: Tâm thần nhẹ, tâm thần nặng và tâm thần nữ; đồng thời, phân công nhân viên chia ca trực 24/24 giờ.

Mỗi người bệnh tâm thần vào Trung tâm là những mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau, người thì đi lang thang, người thì gia đình nghèo không lo nổi; không còn người thân chăm sóc, nuôi dưỡng,… nhưng tất cả đều không có nơi nương tựa, không điều chỉnh được hành vi khi lên cơn. Họ bất hợp tác trong quá trình nuôi dưỡng, mỗi lần kích động thường quay sang tấn công nhân viên chăm sóc, phải có sự can thiệp bằng các biện pháp mạnh. Đối với bệnh nhân sức khỏe yếu, nằm một chỗ, nhân viên chăm sóc phải kiêm luôn nhiệm vụ tắm rửa, đút ăn,... Còn khi họ nhập viện, Trung tâm cũng cử người thay phiên nhau chăm sóc.

Có đến Trung tâm CTXH tỉnh mới cảm nhận được tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây. Bởi tiền lương thì không nhiều nhưng làm việc rất vất vả, bất kể ngày, đêm. Chị Trần Hồng Mưa (nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh) bộc bạch: “Tôi vào Trung tâm làm việc đã 15 năm. Những ngày đầu, tôi cứ nghĩ mình sẽ không cầm cự nổi, bởi thấy cảnh người bệnh la hét, chửi bới rất mệt và áp lực. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm, thấy những bệnh nhân này đáng thương hơn đáng trách. Lâu dần, tôi xem họ như người nhà của mình mà tận tâm chăm sóc”.

Người bệnh tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Người bệnh tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng

Trung tâm CTXH tỉnh không chỉ là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần một cách chu đáo, tận tình mà còn tạo nhiều điều kiện cho người tâm thần nhẹ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, hiện nay, Trung tâm CTXH tỉnh có một phòng lao động, dạy nghề trị liệu, giúp người tâm thần vừa tăng cường vận động, thể dục - thể thao, vừa có thêm kỹ năng sống. Nhờ vậy, bình quân, hàng năm, Trung tâm có khoảng 10% người bệnh tâm thần khỏi bệnh, trở về với gia đình.

Ông N.T.T. (người bệnh tâm thần) nói: “Nhờ sự quan tâm chăm sóc của nhân viên ở Trung tâm, hiện tâm trạng của tôi rất thoải mái, tất cả sinh hoạt cá nhân đều tự làm được. Còn trước đây, tôi không ý thức được hành vi nên nhân viên Trung tâm phải làm giùm. Hy vọng tôi sớm hết bệnh để trở về với gia đình”.

Bệnh tâm thần là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng,... Bệnh tâm thần ngày càng gia tăng là do áp lực cuộc sống, công việc cùng những thay đổi về mặt xã hội như sự phân hóa xã hội, nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, bất cập của nền giáo dục, y tế,...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phương (Trung tâm CTXH tỉnh) nói: “Đa số người bệnh tâm thần trong Trung tâm CTXH tỉnh đều mắc bệnh tâm thần mãn tính nên rất khó điều trị. Chúng tôi chỉ hy vọng, người bệnh tâm thần ý thức được hành vi của mình, hòa đồng, không đánh nhau. Để làm được điều này, ngoài việc cho uống thuốc đầy đủ, đúng thời gian còn phải nhẹ nhàng chăm sóc, không được lớn tiếng, từ đó giúp người bệnh tâm thần được thoải mái tinh thần. Ở gia đình và ngoài xã hội, người bệnh tâm thần thường bị kỳ thị, xa lánh nên bệnh càng thêm nặng, nếu gia đình biết cách điều trị ngay từ đầu thì sẽ không xuất hiện nhiều bệnh nhân tâm thần mãn tính”.

360 người bệnh tâm thần đang cùng chung sống trong một mái nhà là Trung tâm CTXH tỉnh. Ở đó, họ bỏ qua những ồn ào, thị phi, áp lực của cuộc sống bên ngoài để được sống trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của những tấm lòng tử tế. Và dù những tấm lòng ấy không là máu mủ ruột rà nhưng họ sẵn sàng đồng hành với các mảnh đời yếu thế, cùng vượt qua những tháng ngày vất vả, góp phần giúp người bệnh tâm thần sớm tái hòa nhập cộng đồng./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết