Tàu 996 được bảo quản, bảo dưỡng sau giờ huấn luyện
Ngay sau Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 của trường, chúng tôi có mặt trên tàu 996 để tìm hiểu về những kết quả của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn tàu sau hơn 1 tháng huấn luyện kết hợp đưa cán bộ, giảng viên của trường đi thực tế tại các vùng biển, đảo. Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên - Chính trị viên tàu, chia sẻ: “Hơn 23 năm làm “nhiệm vụ” chở khách, giờ tàu được biên chế cho đơn vị để chở cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ, chuyên môn trên sông, biển, đồng thời sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khác khi có lệnh. Ngay khi nhận tàu, chúng tôi tập trung làm tốt mọi công tác chuẩn bị, trong đó, tập trung bảo quản, bảo dưỡng nhằm bảo đảm tốt nhất tình trạng kỹ thuật cũng như điều kiện sinh hoạt phục vụ cán bộ, giảng viên và học viên khi tham gia huấn luyện thực tế tại tàu”.
Được biết, sau khi chuyển giao, đây là lần đầu tiên tàu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại quần đảo Trường Sa. Kíp tàu mới thành lập, một số cán bộ, nhân viên, chiến sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm đi biển đường dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hành quân. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy tàu làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, nhận thức sâu sắc tình hình nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, nhân viên tự học tập, nghiên cứu, khắc phục những điểm còn yếu, còn thiếu để đủ năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Thượng úy Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng ngành 5, chia sẻ: “Trong chuyến hành quân vừa rồi, tôi thường nhắc nhở các thành viên chú ý quan sát để tránh va chạm với các ghe, tàu khác, nhất là vào ban đêm, thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Đến khu vực quần đảo Trường Sa - nơi có địa hình phức tạp, nhiều bãi cạn, đáy san hô dốc và thường xuyên có giông nên rất khó thả neo. Tuy nhiên, đây là điều kiện tốt để huấn luyện nâng cao trình độ về tổ chức chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị đi biển và khả năng chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ tàu. Mỗi cán bộ, nhân viên khi được huấn luyện thực tế ở điều kiện như thế này đều có sự tiến bộ rõ rệt cả về năng lực chỉ huy lẫn bản lĩnh chiến đấu”.
Trung tá Nguyễn Thái Hậu - Chủ nhiệm bộ môn Vũ khí dưới nước, Khoa Vũ khí, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa, nhà giàn DK1 và được trực tiếp huấn luyện ở môi trường đặc biệt này. Những kiến thức thực tế này, chúng tôi sẽ truyền thụ lại cho học viên đang đào tạo tại trường”. Còn Đại úy Phạm Viết Thắng - Trợ lý Quần chúng, Phòng Chính trị, khẳng định: “Thường xuyên tuyên truyền về biển, đảo nhưng lần này, tôi mới được đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau này, mỗi bài viết, câu chuyện, chuyên đề về biển, đảo của tôi sẽ sinh động, thực tế và nhiều cảm xúc hơn. Chuyến hành quân này rất thực tế và cần thiết cho cán bộ làm công tác tuyên truyền như chúng tôi”.
Chuyến hành quân đến với vùng biển, đảo của Tổ quốc vừa mang đến cảm xúc thiêng liêng, vừa là những bài học thực tế ý nghĩa mà mỗi cán bộ, nhân viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân sẽ áp dụng vào công tác giảng dạy.
Trong đợt huấn luyện vừa rồi, tàu đưa cán bộ, giảng viên đến tham quan thực tế đảo Đá Tây, nhà giàn DK1/7 và DK1/2; tổ chức hướng dẫn và huấn luyện các nội dung: Công tác chuẩn bị trước khi đi biển; tìm hiểu cấu tạo, vị trí bố trí, vận hành trang bị chuyên ngành trên tàu; thực hành các bảng bố trí chiến đấu thuộc ngành; thực hiện chức trách trực ca, trực chuyên môn khi tàu hành trình,... Quá trình huấn luyện bảo đảm an toàn tuyệt đối và kiểm tra đạt 100% khá, giỏi./. |
Hoàng Hà