Long An ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh
Những bước tiến trong xây dựng chính quyền số
Thứ hạng đánh giá Chỉ số CĐS của tỉnh tăng dần qua các năm: Năm 2020, xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố cả nước; năm 2021, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố cả nước; năm 2022, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố cả nước; chỉ xếp thứ 2 (sau TP.Cần Thơ) trong nhóm các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi cho biết, đến nay, hạ tầng số trong cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Khối các cơ quan Đảng đầu tư hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu và mạng thông tin diện rộng theo mô hình tập trung; khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức,... đáp ứng tốt yêu cầu CĐS phục vụ hoạt động, cải cách hành chính trong cơ quan Đảng.
Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đoàn các cấp thành lập đội hình “IT Xanh” trên toàn tỉnh; tập huấn về CĐS; tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia tiếp cận các hoạt động công nghệ, CĐS; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin, CĐS, qua đó nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên.
Thời gian qua, tỉnh hoàn thành giải pháp kỹ thuật xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, hình thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan.gov.vn) và Cổng dữ liệu bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn).
Tỉnh duy trì khai thác dữ liệu đưa vào Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với 226 bộ dữ liệu gồm 102 bộ dữ liệu thuộc tính, 124 bộ dữ liệu chứa thông tin địa lý.
Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được đưa vào hoạt động phục vụ chính quyền và nhân dân
ỉnh tập trung xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác các dịch vụ đô thị thông minh của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, gồm: Ứng dụng Long An IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên môi trường số; nền tảng công dân số “Long An Số” cung cấp các dịch vụ số thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; Tổng đài 1022, Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân (https://1022.longan.gov.vn), đến nay, hệ thống tiếp nhận trên 1.260 phản ánh, kiến nghị.
Song song đó, tỉnh triển khai đồng bộ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; cung cấp thông tin tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, ứng dụng “Long An Số”,... Trong 8 tháng năm 2023, hồ sơ giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 99,7%.
Các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến tháng 8/2023, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 1.565/1.858 dịch vụ công trực tuyến, đạt 84,23% và có 312.085/328.813 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 94,91%); kết nối 1.480 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến
Thời gian qua, TP.Tân An tập trung triển khai 2 dự án: “Xây dựng Trung tâm điều hành IOC và Camera an ninh thông minh”, “Quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS) và thay thế đèn LED”, bước đầu phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố.
Đến nay, TP.Tân An xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành IOC đặt tại thành phố; hạ tầng, máy chủ được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh; lắp đặt hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát an ninh, trật tự, an toàn giao thông với 121 camera tại 22 nút giao thông trọng yếu. Thành phố còn lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh tại 78 tuyến đường trên địa bàn và đang triển khai mở rộng.
Hướng đến một “Long An số”
Hơn 2 năm qua, tỉnh tích cực hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 66.426 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT: https://postmart.vn và https://voso.vn với 8.385 sản phẩm được đăng ký. Ngoài ra, toàn tỉnh có 180 gian hàng với 478 sản phẩm được trưng bày trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh longantrade.com.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, ngành Nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số blockchain, mã QR trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, ngành hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 57 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, Sở xây dựng và triển khai Hệ thống kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh https://nongsanantoanlongan.vn với 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh và trên 38 sản phẩm.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại TP.Tân An
Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình (ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) - Phạm Ngọc Anh Tuấn chia sẻ: “Sau khi được ngành Nông nghiệp và VNPT Long An hướng dẫn đăng ký, tạo tài khoản trên Hệ thống kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh, sản phẩm của Cty được khách hàng biết đến nhiều hơn. Đây là kênh thông tin chính thống, kết nối trực tiếp với khách hàng, thanh toán và giao hàng trực tuyến tiện lợi. Cũng nhờ đó, việc kinh doanh của Cty duy trì ổn định”.
Cùng với đó, ngành Công Thương tích cực phối hợp các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 281 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Sở phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử xây dựng phần mềm Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh (https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn), triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị liên quan tham gia. Hiện có 10 đơn vị đăng ký sử dụng.
Về xã hội số, tỉnh xây dựng mini app “Long An Số” trên Zalo với trên 100.400 lượt người dùng tải về sử dụng, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như dịch vụ công trực tuyến, điện, nước, giao thông, giáo dục, y tế, việc làm,...
Tỉnh đã hoàn thành trước hạn 4 chỉ tiêu quan trọng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, cụ thể: (1) Đạt trên mức trung bình cả nước đối với các chỉ tiêu CĐS đề ra trong Chương trình CĐS quốc gia giai đoạn 2021-2025; (2) Dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4 đạt 100% (hiện nay là dịch vụ công trực tuyến toàn trình); (3) Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và phủ tới 100% xã (đến nay, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 86% hộ gia đình và phủ tới 100% xã); (4) Hoàn thành công tác thí điểm CĐS ở 3 đơn vị cấp xã. |
Việc tích hợp tính năng “Sàn nông sản Long An” vào mini app “Long An Số” trên Zalo là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, bởi không chỉ người dân được bổ sung một kênh tiếp cận nông sản an toàn mà chính doanh nghiệp cũng có thêm đầu ra mới.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 1988, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) bộc bạch: “Tính năng “Sàn nông sản Long An” trên mini app “Long An Số” giúp tôi tiết kiệm đáng kể thời gian khi lựa chọn sản phẩm. Mỗi sản phẩm được giới thiệu đầy đủ thông tin: đơn vị sản xuất, giá bán, chương trình khuyến mãi và đánh giá từ những khách hàng trước”.
Có thể thấy, trên “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống KT-XH. Qua đó, góp phần đưa tỉnh vào nhóm các địa phương CĐS tốt, có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước./.
Hà Lan