Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN)
Mặc dù kinh tế thế giới năm 2021 đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng nhưng lạm phát tăng cao kéo dài và các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang được dự báo có thể gây trở ngại lớn cho đà phục hồi của nền kinh tế thế giới năm 2022.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
- Từ mức tăng trưởng âm 3,5% của năm 2020, kinh tế thế giới năm 2021 đã bước ra khỏi bóng đen suy thoái. Vậy theo ông đâu là các trụ đỡ quan trọng nhất giúp kinh tế thế giới đạt được thành quả này?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Theo tôi có ba trụ đỡ tương đối rõ nét. Đầu tiên là các gói kích thích quy mô lớn đã được triển khai cấp tập ở các nền kinh tế chủ chốt cũng như các nền kinh tế vệ tinh nhỏ hơn ở xung quanh, bắt đầu từ năm 2020 và kéo dài cho đến tận 2021, điển hình là Liên minh châu Âu (EU).
Thậm chí là trước áp lực lạm phát, EU vẫn không có ý định sẽ dừng chương trình này hoặc tăng lãi suất ngay để tiếp tục tạo đà hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho năm kế tiếp.
Trụ đỡ thứ hai đến từ các chương trình vaccine và tiêm chủng đại trà mạnh mẽ bởi bản chất của suy thoái kinh tế năm 2020 liên quan đến sức khỏe và giãn cách xã hội.
Vì thế các chính phủ đều đã có một cái đích nhắm chung là đưa sức khỏe cộng đồng trở lại với quỹ đạo thông thường càng sớm càng tốt và song song với quá trình cấp tập tiêm ở các nước phát triển thì các chương trình hỗ trợ toàn cầu thông qua sáng kiến COVAX hoặc là sự hỗ trợ song phương của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU cho các nước đang phát triển không những giúp các nước phục hồi đà phát triển mà còn giúp kiềm chế đà xuất hiện của các biến chủng mới.
Trụ đỡ thứ ba chính là sự phục hồi phát triển của thương mại toàn cầu. Thương mại toàn cầu đã tạo ra cầu đối với xuất khẩu cũng như cung cấp hàng hóa trung gian bên ngoài thiết yếu để các nước nghèo, các nước đang phát triển nhanh chóng phục hồi kinh tế hơn so với việc phải tự thân vận động trong trong bối cảnh như một ốc đảo.
- Vậy ông nhìn nhận như thế nào về sự phục hồi của các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU trong năm 2021?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Tôi cho rằng có bốn đầu tàu kinh tế đã kéo kinh tế toàn cầu quay trở lại quỹ đạo trong năm vừa qua. Mỹ và Trung Quốc là hai đầu tàu rõ nét, nhưng EU với những gói kích thích kinh tế quy mô rất lớn và Ấn Độ với chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử và khả năng tự sản xuất vaccine cũng đã có thể đạt được mức tăng trưởng ấn tượng tới 7% trong năm vừa rồi. Tất cả các khu vực này đã tạo ra những tác động lan tỏa khác nhau với các nền kinh tế vệ tinh xung quanh.
Tuy nhiên, mặc dù Mỹ tăng trưởng rất cao và có sự phục hồi ngoạn mục nhưng lại đi kèm với lạm phát cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải hành động sớm nhất trong tất cả các ngân hàng trung ương chủ chốt trong việc đưa lãi suất có thể tăng vài lần trong năm 2022 này.
Bên cạnh đó, năm 2021 kinh tế Trung Quốc mặc dù tăng trưởng 8,1%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với cả mục tiêu của chính phủ nhưng cũng có một số nỗi lo mang tính chất cấu trúc. Đầu tiên là đà tăng của kinh tế Trung Quốc trong quý 3 và 4 chỉ đạt 4,9% và 4% so với mức 7,9% của quý 2. Đây là điều bất thường vì quý 4 thường là quý tăng trưởng tốt hơn cả.
Sự tăng trưởng như vậy cho thấy chính sách siết chặt của chính phủ Trung Quốc đối với khu vực bất động sản cũng như hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân công nghệ có thể đã bắt đầu phát huy các tác động tiêu cực nhất định lên các hoạt động kinh tế của quốc gia này.
Cùng đó, các động lực khác của kinh tế Trung Quốc như đầu tư tiêu dùng tư nhân và đầu tư công đều có xu hướng tăng trưởng rất chậm.
Vì vậy, thách thức với hai đầu tàu này trong năm 2022 vẫn còn ở phía trước.
- Lạm phát cao kéo dài nhất là ở các nền kinh tế đầu tàu của thế giới như Mỹ và các nước EU được nhìn nhận là sức ép lớn nhất với kinh tế thế giới trong năm 2022. Vậy quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Lạm phát đúng là một thách thức lớn với kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do một phần đến từ sự phục hồi rất nhanh của kinh tế toàn cầu tạo nhu cầu về hàng hóa và các nguyên vật liệu đầu vào. Hay nói cách khác, nguyên nhân lạm phát không chỉ là vấn đề của các gói kích thích kinh tế mà của chi phí đẩy nữa, đặc biệt là giá năng lượng.
Hiện Anh và Mỹ đang phản ứng rất mạnh với vấn đề lạm phát, trong đó Fed đã phải giảm chương trình mua nới lỏng định lượng và thậm chí có thể sẽ tăng lãi suất vài lần trong năm nay. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương châu (ECB) vẫn nhất quán với việc không tăng lãi suất trong năm nay để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế hơn là kiểm soát lạm phát trong bối cảnh các nền kinh tế đã bị đình trệ, thậm chí đóng cửa trong thời gian dài vì dịch COVID-19.
Theo tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Mỹ cùng với Trung Quốc, EU, Ấn Độ là những đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo trong năm qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo tôi, vấn đề lo ngại nhất không phải là lạm phát mà lại là cách các ngân hàng trung ương phản ứng trước lạm phát như thế nào. Lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới liên quan rất nhiều đến phản ứng của ngân hàng trung ương về vấn đề lạm phát là đúng hay sai, nhanh quá hay là muộn quá, cường độ lớn quá hay là hay là hạn hẹp quá.
- Bên cạnh lạm phát, đâu là những thách thức lớn khác của nền kinh tế thế giới trong năm 2022?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Theo tôi có năm thách thức lớn khác cần phải nhìn vào lần lượt từ các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong của các nền kinh tế.
Với các yếu tố bên ngoài thì chính sách thắt chặt nhanh của Fed có thể khiến nhiều nền kinh tế sẽ mất đi cầu bên ngoài. Khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá và tác động tiêu cực tới môi trường thương mại của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia xuất khẩu và phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Yếu tố thứ hai là đà suy giảm tiếp theo của kinh tế Trung Quốc. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 nhưng dựa trên nền tảng tăng trưởng năm 2020 tương đối thấp và đặc biệt là các dấu hiệu của quý 2 và 4 không khả quan.
Ngoài ra năm 2022 sẽ là năm đại hội Đảng của Trung Quốc nên nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên giữ ổn định kinh tế hơn là thúc đẩy tăng trưởng.
Vì vậy, tác động lan tỏa của hai cái đầu tàu kinh tế lớn nhất này cũng chính là thách thức lớn với các nước đang dựa vào thị trường bên ngoài như một động lực tăng trưởng.
Vấn đề thứ ba là tâm lý lạc quan quá có thể trở thành thách thức, khiến cho công tác dự báo hoặc phản ứng với những huống bất trắc ở nhiều quốc gia không tốt. Trên quy mô toàn cầu, tâm lý lạc quan quá có thể khiến hành vi đầu tư hoặc ban hành chính sách không theo kịp được nhịp thực tế diễn ra trong cuộc sống.
Thách thức thứ tư bao trùm lên tất cả các ẩn số của kinh tế toàn cầu là sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể đe doạ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 có thể đạt được mức tăng 4,9%, Oxford Economics dự báo tăng 4,5 %, còn Ngân hàng JP Morgan cho rằng 2022 sẽ là năm phục hồi hoàn toàn. Vậy theo ông đây có phải là những dự báo quá lạc quan?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Theo tôi, vẫn còn ba yếu tố ảnh hưởng đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, sự phục hồi của năm 2021 là sự phục hồi không đồng đều khi có những nơi phục hồi rất nhanh, có nơi phục hồi rất chậm hoặc thậm chí chưa phục hồi do ảnh hưởng của chương trình tiêm chủng vaccine và sản xuất vaccine ở các nước.
Theo ước tính của IMF, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu tương đối ổn định và bớt đi các cú sốc hoặc là các lần phải đóng cửa trên các quy mô lớn thì tỷ lệ tiêm chủng ở các nước đang phát triển hoặc các nước thu nhập thấp ít nhất phải đạt được 40% cho mũi thứ nhất và ít nhất 70% cho mũi thứ hai ở các nước đã phát triển.
Hiện Anh và Mỹ đang phản ứng rất mạnh với vấn đề lạm phát. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên là đến hết 2021, chỉ có khoảng 7% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng mũi một. Đây là một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tham vọng mà COVAX, Ngân hàng Thế giới, IMF và các nước phát triển nhắm tới để hướng đến sự tăng trưởng bền vững hơn ở quy mô toàn cầu.
Thực tế là chỉ cần một khu vực nào đấy vẫn còn bị đại dịch hoành hành thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ là một quá trình gập ghềnh. Các ước tính cho rằng nếu đại dịch vẫn kéo dài trong vòng hai đến ba năm nữa thì tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ bị tổn thất khoảng 5.300 tỷ USD trong vòng 5 năm và sẽ làm kéo lùi nỗ lực tăng trưởng của các nước khác hoặc sẽ tạo ra bức tranh tăng trưởng lỗ chỗ với các mảng màu khác nhau.
Thứ hai, do chênh lệch về chương trình tiêm chủng nên là chênh lệch về tăng trưởng cũng rất khác biệt.
Điểm thứ ba là dư địa của các gói kích thích kinh tế của các nước đang bị thu hẹp.
Bởi vì sau khi kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ, tài khóa mạnh thì có một khuynh hướng là chính sách tiền tệ đang dần mất đi sự độc lập và bị chính sách tài khóa lấn át, dẫn dắt. Điều này dẫn đến rủi ro rất lớn cho nền kinh tế đang phát triển trong việc quản lý rủi ro về nợ gia tăng cũng như làm sao sử dụng tài chính một cách hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Theo TTXVN