Tiếng Việt | English

30/04/2023 - 19:04

Chuyện nghề quản trang

Giữa cái nắng tháng tư như thiêu như đốt, những người làm nghề quản trang vừa nhanh tay quét dọn vệ sinh, tưới cây, vừa rôm rả trò chuyện với tâm trạng vui tươi. Với họ, mỗi ngày được chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, vệ sinh quanh khuôn viên nghĩa trang là một ngày ý nghĩa.

Cựu chiến binh Võ Văn Thạch nguyện gắn bó phần đời còn lại của mình với công việc tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Giuộc

Như một lời tri ân với đồng đội

Năm 1982, ông Võ Văn Thạch (nhân viên quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) huyện Cần Giuộc) tham gia chiến trường biên giới Tây Nam và chứng kiến những đồng chí, đồng đội của mình người hy sinh, người mang thương tật suốt đời. Năm 1985, sau khi xuất ngũ, trở về địa phương và lập gia đình, ông mong muốn làm một điều gì đó cho những đồng đội đã ngã xuống nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, ông tạm gác lại dự định trên.

Cách đây 3 năm, sau khi các con trưởng thành, kinh tế gia đình ổn định, cựu chiến binh Võ Văn Thạch xin vào làm việc tại NTLS huyện Cần Giuộc như một lời tri ân của ông với các đồng chí, đồng đội năm xưa. Ông Thạch chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi quên được những năm tháng khốc liệt trên chiến trường biên giới Tây Nam. Ngày được vào làm việc tại NTLS huyện, tôi vui lắm! Kể từ đây, tôi được ở gần đồng đội, đồng chí của mình. Còn sống ngày nào, tôi nguyện canh giấc cho các đồng đội ngày ấy”.

Một ngày của ông Thạch bắt đầu với những công việc thầm lặng. Người dân quanh khu vực NTLS huyện Cần Giuộc dường như rất quen với tiếng chổi và hình ảnh ông Thạch lom khom, chăm chút cho từng nén hương, bát nước, bình hoa trên các phần mộ liệt sĩ. Ông Thạch cho biết: “Công việc của nhân viên quản trang thường là hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, thắp hương các phần mộ, cắt tỉa cây cảnh, quét dọn, làm cỏ, thu gom rác, làm sạch, đẹp nghĩa trang,... Tuy công việc không nặng nhọc nhưng phải luôn tay”.

Xuất phát từ tình cảm với đồng đội, ông Thạch nguyện dành phần đời còn lại gắn bó với các công việc thầm lặng tại NTLS huyện Cần Giuộc.

Lặng thầm cống hiến

Anh Lê Thành Chỏi (bìa phải) hướng dẫn ông Hoàng Văn Phi (bìa trái) tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Tuấn

Mỗi khi đến NTLS tỉnh sẽ cảm nhận được khuôn viên sạch, đẹp với hệ thống cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, trên các phần mộ lúc nào cũng được trang trí bình hoa. Ai đến đây cũng thấy được sự ấm áp, gần gũi đến từ các anh, các chú đang làm công việc quản trang. Ông Hoàng Văn Phi (em liệt sĩ Hoàng Văn Tuấn, quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi vào NTLS tỉnh tìm mộ anh trai. Nhiều năm qua, gia đình tôi đi khắp nơi, nay mới tìm được mộ anh. Trước khi vào, gia đình liên hệ Ban Quản lý NTLS tỉnh và nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình. Do đi đường xa, Ban Quản lý NTLS tỉnh còn bố trí chỗ nghỉ cho gia đình, chúng tôi rất mừng và cảm thấy vô cùng ấm lòng!”.

Anh Lê Thành Chỏi (nhân viên quản lý NTLS tỉnh) hướng dẫn gia đình ông Hoàng Văn Phi đến phần mộ liệt sĩ Hoàng Văn Tuấn. Anh Chỏi bộc bạch: “Làm việc ở nghĩa trang lâu năm sẽ thuộc tên từng liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm được quy tập về nghĩa trang, thậm chí còn quen mặt từng người thân liệt sĩ mỗi khi đến viếng mộ. Còn đối với những ngôi mộ chưa xác định được tên, không người thân đến viếng thì chúng tôi xem các anh, các chú như người thân của mình. Trường hợp có gia đình đến tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất. Thấy gia đình nào tìm được mộ liệt sĩ, chúng tôi vui cùng niềm vui của họ. Thế là bao năm nằm lại nơi đây, người thân cũng đã tìm được các anh".

Thân nhân gia đình liệt sĩ cảm thấy rất ấm lòng khi phần mộ người thân được chăm sóc chu đáo

Được biết, anh Lê Thành Chỏi gắn bó với công việc quản trang gần 10 năm. Vào những ngày lễ, tết, trong khi mọi người được nghỉ ngơi, vui vầy bên gia đình, người thân và bạn bè thì anh Chỏi nói riêng, những người làm công việc quản trang nói chung tạm gác lại niềm vui cá nhân để chăm lo cho các phần mộ và đón thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng, thắp hương.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh có 10 NTLS, quản lý trên 26.000 mộ, trong đó, NTLS huyện hoặc liên huyện có từ 2-3 nhân viên quản lý nghĩa trang; NTLS tỉnh có trên 10 nhân viên. Ngoài làm công việc chuyên môn, những nhân viên tại các nghĩa trang còn thay phiên nhau trực 24/24 giờ.

Giữa nhịp sống hối hả, vẫn có những người thầm lặng cống hiến cho đời bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, trong đó có nghề quản trang. Và những câu chuyện đời, chuyện nghề của họ giúp chúng ta hiểu và trân trọng về sự hy sinh của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích