Tiếng Việt | English

09/06/2016 - 20:44

Chuyện từ tấm ảnh kỷ niệm

Vốn chỗ quen biết với Đại tá Phạm Hoàng Nghĩa, sĩ quan biên chế thuộc Mặt trận 979- bộ đội tình nguyện Việt Nam của Tây Nam bộ làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt, thỉnh thoảng tôi đến nhà thăm chơi, tâm sự của những người tuổi già về hưu sống hoài niệm thời quá khứ có ý nghĩa của mình.

Tại phòng khách nhà ông đơn sơ nhưng được trang hoàng đẹp mắt. Nơi trang trọng nhất là chân dung Bác Hồ, thấp hơn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lần này tôi chú ý tấm ảnh khổ 20cmx30cm 4 người đứng mặc quân phục, trong đó, tôi nhận biết ngay 2 người là Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đứng cạnh Đại tá Phạm Hoàng Nghĩa. Tôi tò mò hỏi chuyện thì Đại tá Phạm Hoàng Nghĩa chỉ tấm ảnh nói: Tấm ảnh này là chụp kỷ niệm lần Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 9, năm 1984 tại Cần Thơ.

Ảnh chụp kỷ niệm Đại hội Đại biểu Đảng Quân khu 9 (1984) tại TP.Cần Thơ. (Từ trái sang: Đ/c Nguyễn Đệ, nguyên Tư lệnh QK 9; Đ/c Ngô Văn Nhẫn, chuyên gia Tư lệnh Khu vực 3; Đ/c Nguyễn Thới Bưng, Phó Tư lệnh, tổng Tham mưu QK 9; Đ/c Phạm Hoàng Nghĩa, Chủ nhiệm Chí trị Sư đoàn 8)

Quá khứ lại hiện về. Ông mời tôi trở lại bàn uống trà. Ông trầm ngâm vài giây rồi chậm rãi kể chuyện.

1.Năm 1977, trong khi quân dân ta ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, thì 2 lần quân đội Pôn Pốt tràn sang biên giới Việt Nam thảm sát đồng bào ta ở Ba Chúc (An Giang), Tân Biên (Tây Ninh) và một số nơi khác dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, nhưng đều bị bộ đội ta đánh đuổi. Quân đội Pôn Pốt tiến hành tàn sát dã man gần 3 triệu đồng bào của mình trong vòng 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền. Đất nước Campuchia trùm phủ màu tang tóc, điêu tàn, rùng rợn!

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia và thực hiện Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác ký kết ngày 18-2-1979 giữa Chính phủ Việt Nam và Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia, cam kết tương trợ, giúp đỡ nhau về mọi mặt; với khẩu hiệu “Giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ ta quyết định cứu vãn nước bạn trong cơn nguy biến. Đoàn quân tình nguyện Việt Nam gồm một số đơn vị chủ lực ở Quân khu, Quân đoàn và cán bộ lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh miền Nam Việt Nam sang làm chuyên gia quân sự cho từng tỉnh bạn.

Đoàn quân tình nguyện ở Quân khu 7 (mặt trận 779) và Quân khu 9 (mặt trận 979) của Việt Nam tập trung trọng điểm ở các tỉnh đồng bằng Campuchia với 3 mục tiêu: Làm tan rã quân đội Pôn Pốt về cơ bản; giúp bạn tổ chức lại bộ máy chính quyền, xây dựng quân đội đủ sức đảm đương việc quản lý đất nước và giúp nhân dân Campuchia phục hồi lại cuộc sống, thời gian 10 năm (1979- 1989).

Ánh mắt ông sáng hẳn lên khi báo tin vui: Ngày 7-1-2015, Vương quốc Campuchia vừa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 36 năm ngày nhân dân Campuchia giải phóng khỏi họa diệt chủng của Pôn pốt. Thủ tướng Xam-đéc Hun-xen ca ngợi thành tựu to lớn và sự hồi sinh của đất nước; đồng thời khẳng định nếu không có ngày 7-1-1979, không có quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ tận tình thì đất nước và nhân dân Campuchia thân yêu sẽ không được như ngày hôm nay.

2.Mặt trận 979 phụ trách vùng xung yếu Quân khu Tây Nam, ta gọi là khu vực 3, gồm các tỉnh Kăn đan, Ta Keo, Kampốt, Kông pông Spư, Kông Pông Chơ-năng, Pôxát, Kô Kông và thành phố cảng Kông pông Som. Tôi (Phạm Hoàng Nghĩa), lúc đó là Trung tá, làm Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 8 do đồng chí Hai Điệp làm Sư đoàn trưởng, chốt giữ trung tâm khu vực chuyên trách làm công tác giúp bạn về mọi mặt ở tỉnh Kampốt. Bên cạnh việc chiến đấu truy quét địch, sư đoàn còn có nhiệm vụ quan trọng làm công tác địch vận, đã đóng góp tích cực làm tan rã hàng ngàn lính Pôn Pốt ở một số tỉnh khu Tây Nam Campuchia.

Khoảng năm 1980, cục diện chiến trường Campuchia có chiều hướng thuận lợi cho bạn. Quân đội Pôn Pốt thất trận liên miên, quân số tiêu hao nặng nề, tinh thần sa sút, buộc chúng co cụm, rút dần về phía biên giới với Thái Lan, xây dựng căn cứ trong rừng tiếp tục đánh phá. Kampốt - tỉnh cực Nam Campuchia giáp với Hà Tiên (Kiên Giang) của Việt Nam, nằm ở đuôi dãy núi Tà Lơn (Kamchay), gần biển, có quốc lộ 3 từ Kampốt đi thủ đô Phnông Pênh, nhập với đường số 4 đến hải cảng Kom Pông Som (Sihanouk ville cũ), địa bàn trọng yếu của quân khu Tây Nam Campuchia.

Tôi đến thăm hỏi nhiều nhà dân, thấy ban đêm trước nhiều nhà có để phần cơm và bọc muối (lén lút nuôi quân Pôn Pốt). Tôi báo cáo hiện tượng này với Bộ Tư lệnh và suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Tôi nhớ lại chính sách binh địch vận của ta thời đánh Pháp chống Mỹ: diệt 1 làm tan rã 5, 10 tên địch nên mau đến thắng lợi. Lúc đầu một số cán bộ chỉ huy phía bạn còn do dự, nhất là lính Pôn Pốt vốn có nhiều nợ máu nên sợ bị trả thù và chưa tin chính sách nhân đạo của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia.

Tôi nghĩ rằng, điều kiện khách quan đã có: Quan điểm của Đảng ta là làm tan rã về cơ bản quân đội Pôn Pốt, kinh nghiệm quý giá binh địch vận của Việt Nam, hợp lòng dân Campuchia và thực tế địch đang hoang mang. Hơn nữa ta cần xác định rõ, lính Pôn Pốt vừa là kẻ thù của nhân dân Campuchia vừa là con em của họ. Công tác địch vận còn có ý nghĩa lớn: Làm giảm đổ máu của cả hai bên, giúp cho nhiều gia đình Campuchia được đoàn tụ, tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam-Campuchia ngày càng gắn bó. Tôi trình bày vấn đề này, được đồng chí Ba Thanh, Trưởng đoàn chuyên gia ủng hộ.

Tin từ quần chúng cho biết, quân Pôn Pốt tổ chức 3 lực lượng: lực lượng ngầm gồm những người có con cháu đi lính Pôn pốt, những người có quan hệ với Pôn Pốt, những lính Pôn Pốt về hàng được cử làm cán bộ xã, ấp; các đội công tác của quân đội Pôn Pốt (như tuyên truyền xung phong của ta), mỗi đội từ 5-7 tên mặc thường phục, trang bị súng ngắn ở lẫn trong dân làm nhiệm vụ tuyên truyền, xuyên tạc, mua chuộc, tổ chức thám báo nắm tình hình dân chúng, tình hình bộ đội tình nguyện Việt Nam, xin dân cung cấp thuốc men, vật dụng, nhu yếu phẩm - lực lượng này là cầu nối giữa lực lượng ngầm với lực lượng quân đội Pôn Pốt lập căn cứ trong rừng chờ thời cơ phản công khi ta sơ hở. Ta nhận định, trong đó lực lượng ngầm có thể cảm hóa được và chuyển hóa thành tai mắt của ta bằng chính sách đúng đắn và cách tuyên truyền vận động khéo léo thuyết phục của ta.

Bộ Tư lệnh xác định công tác dân, địch vận là một mặt trận và triển khai đến các quân khu, sư đoàn. Sư đoàn 8 phân công mỗi trung đội phụ trách một huyện, huyện trọng điểm có một đại đội, cùng với lực lượng địa phương của bạn và 6 đội công tác (nguyên là dân Campuchia chạy sang Việt Nam được Quân khu 9 tập hợp lại tổ chức, giáo dục, huấn luyện) đi vận động nhân dân cũng với phương châm dân là gốc. 

Đầu tiên, ta tổ chức học tập đường lối, huấn luyện, hướng dẫn nội dung công tác – kiểu 5 bước công tác của Việt Minh (điều tra, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức, thực hiện). Bước chuẩn bị thứ hai, Sư đoàn gởi công văn đề nghị Huyện ủy Hà Tiên cử 7 người giỏi tiếng Khơme (cộng với trung đội giỏi tiếng Khơme của đơn vị) và đội văn nghệ (cùng đội văn nghệ của Sư đoàn) biết ca, múa, hát những bài dân ca Khơme để biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền. Sau thời gian triển khai thực hiện, nhân dân rất đồng tình ủng hộ tham gia, đông đảo nhất là cha mẹ, vợ con những người có con em bị bắt ép đi lính cho Pôn Pốt, có nhiều giáo viên, học sinh, sư sãi tham gia.

Nhân dân được tổ chức tung ra khắp nơi, dẫn cả trẻ con đi theo tìm đến những đồi cao có lính Pôn Pốt ẩn náu để vận động, lôi kéo con em mình về với nhân dân. Kết quả năm 1979, sau trận đánh lớn của Sư đoàn 8, địch thua chạy. Chúng còn ém 8 xe tăng và 1 tiểu đoàn quân tại cửa rừng. Bộ đội đã truy kích chận đầu, khóa đuôi, ta gọi, chúng đầu hàng. Ít lâu sau, một tiểu đoàn thanh niên xung phong khoảng 150 tên cả nam lẫn nữ ra cụm tại cửa rừng, bộ đội đã bao vây gọi hàng, cả tiểu đoàn nộp súng.

Qua tổng kết công tác địch vận năm 1979, Sư đoàn 8 đã diệt và làm tan rã 6.000 tên địch, trong đó có 4.000 tên là hàng binh. Họ được đối xử tử tế, cho ăn uống, cấp phát quần áo, thuốc men chữa bệnh và được bộ đội bạn đưa về Phnông Pênh trả tự do. Người dân đứng 2 bên đường cảm động khóc mừng khi nhìn đội quân kéo cờ trắng thông thả đi qua. Một lần tại phum Prây-tơ-nôm, có 5 lính Pôn Pốt ra hàng mang theo 3 khẩu súng. Ta không chịu. Họ lại trở vào rừng mang ra đủ khẩu 5 súng để nộp.

Năm 1984, để phục vụ chiến dịch biên giới Campuchia – Thái Lan, tôi lúc đó là Thượng tá, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị đoàn 97 (mới thành lập) do Thiếu tướng Nguyễn Thới Bưng (Út Thới), Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng quân khu, làm Tư lệnh Đoàn 97, Đại tá Trần Minh Phú (Sáu Phú) làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Đoàn 97. Đồng chí Tư lệnh Đoàn 97 giao cho cơ quan chính trị (Phạm Hoàng Nghĩa) trực tiếp làm kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Bản kế hoạch được lãnh đạo tỉnh Pôxát tổ chức hội nghị mở rộng để triển khai đến cấp huyện. Tiếp đó tổ chức cuộc mít-tinh lớn tại huyện Bacan, phía Đông nam Biển Hồ, có 11 loa phóng thanh và tiếng nói của những hàng binh kêu gọi lính Pôn Pốt ra hàng. Nhân dân đến dự hàng ngàn người rất vui mừng, ca múa sôi nổi để chào mừng chính sách nhân đạo này. Các bài dân ca tình cảm như bài “Con ếch”, bài Oa-chen-ti, … được hát đi hát lại nhiều lần, gợi nhớ gia đình, quê hương. Nhiều ông già, bà lão phát biểu cảm động khóc ròng. Có số lính Pôn Pốt cải trang đến dự xem cụ thể thế nào để về báo lại với cấp chỉ huy của họ.

Ít bữa sau, một tiểu đoàn quân Pôn Pốt, có cả viên tiểu đoàn trưởng Uốc-hen, nộp súng và con dấu tên đơn vị bằng đồng ra đầu hàng. Chỉ tính ở 2 tỉnh Kampot và Pôxat đã có khoảng 7.000 lính Pôn Pốt rã ngũ.
Thắng lợi của công tác địch vận, được Bộ Tư lệnh khen và động viên. Được biết, đồng chí Nguyễn Thới Bưng, báo cáo với đồng chí Lê Đức Anh- Tư lệnh mặt trận 719 về công tác địch vận và xác nhận thực chất làm việc này từ đồng chí Ba Nghĩa (Phạm Hoàng Nghĩa). Đồng chí Lê Đức Anh vui vẻ nói: Hãy tặng cho đồng chí ấy bằng Tiến sĩ.

Tại hội nghị tổng kết chiến dịch, đủ 4 cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và Kỹ thuật, tôi được phân công báo cáo về kết quả công tác địch vận (có chuẩn bị đề cương). Sáng hôm sau, hội nghị trù bị, tôi báo cáo một mạch 2 tiếng đồng hồ. Lúc nghỉ xả hơi, anh Út Thới (Nguyễn Thới Bưng) đi ngang vỗ vai tôi: “Tốt, tốt lắm, cứ thế!”.

Buổi chiều đó, đồng chí Nguyễn Chí Trung, thư ký riêng của Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Khả Phiêu, đến gặp tôi, nói: “Anh Năm Phiêu bảo tôi đến gặp anh đề nghị anh trình bày toàn bộ báo cáo buổi sáng của anh với tôi”. Sau đó tôi bị sốt nặng, không đi báo cáo trong hội nghị chính thức được.

3.Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tình cảm ấn tượng đặc biệt giữa bộ đội tình nguyện Việt Nam với quân đội và nhân dân Campuchia anh em vẫn luôn sâu đậm. Bên cạnh việc chiến đấu tiêu diệt địch, công tác địch vận là công tác mang tính nhân đạo truyền thống của dân tộc ta, của bộ đội tình nguyện Việt Nam, góp phần đáng kể vào sự tan rã quân đội Pôn Pốt, giảm đổ máu cho cả 2 bên, rút ngắn chiến tranh, tạo sự hòa hiếu giữa nhân dân 2 nước, làm sáng ngời chính nghĩa của bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả./.

Thanh Bền (Cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích