Tiếng Việt | English

25/09/2021 - 11:07

Con gái nhà sáng lập Huawei được phóng thích, bay về Trung Quốc ngay lập tức

Thẩm phán Canada Heather Holmes đã ký lệnh trả tự do và dỡ bỏ mọi điều kiện giám sát tại ngoại với bà Mạnh Vãn Chu rạng sáng 25/9 (giờ VN). Con gái người sáng lập Huawei rời tòa với nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng.

Giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu cười rạng rỡ khi rời tòa ngày 24/9 (giờ Canada), tức rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam - Ảnh: AFP

Giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu cười rạng rỡ khi rời tòa ngày 24/9 (giờ Canada), tức rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam - Ảnh: AFP

Bên ngoài tòa án ở Vancouver (Canada), bà Mạnh liên tục bắt tay và ôm chầm các luật sư cùng những người ủng hộ, trong đó có tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver. Bà cảm ơn thẩm phán, những người ủng hộ bà, các quan chức Trung Quốc và thậm chí Chính phủ Canada vì đã "duy trì thượng tôn pháp luật".

"Trong 3 năm qua, cuộc sống của tôi bị đảo lộn" - giám đốc tài chính toàn cầu Huawei nói bằng tiếng Anh.

"Đó thực sự là khoảng thời gian khó chịu đối với tôi với tư cách là một người mẹ, một người vợ và một người điều hành công ty. Nhưng tôi tin rằng trong cái rủi có cái may. Đây sẽ là một trải nghiệm vô giá trong cuộc đời tôi. Như người ta vẫn nói, khó khăn càng lớn thì trưởng thành càng nhiều", bà Mạnh phát biểu ngắn gọn.

Trong tuyên bố được phát rạng sáng 25/9 (giờ Việt Nam), Bộ Tư pháp Canada xác nhận bà Mạnh "được tự do rời khỏi Canada". Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết con gái nhà sáng lập Huawei sẽ rời khỏi Canada ngay trong ngày được phóng thích.

Trước đó, phó chánh án Tòa tối cao British Columbia - bà Holmes thông báo đã ký lệnh phóng thích bà Mạnh và chấm dứt quá trình dẫn độ sang Mỹ.

Quyết định được đưa ra sau khi bà Mạnh đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với Mỹ. Quyền trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ Mark J. Lesko đã cảm ơn phía Canada vì "tận tâm" và thể hiện thái độ "thượng tôn pháp luật".

Chân bà Mạnh Vãn Chu vẫn còn thiết bị giám sát điện tử sau khi thẩm phán tuyên bố trả tự do - Ảnh:

Chân bà Mạnh Vãn Chu vẫn còn thiết bị giám sát điện tử sau khi thẩm phán tuyên bố trả tự do - Ảnh: AFP

Bà Mạnh tham gia theo hình thức trực tuyến một phiên điều trần được tổ chức tại tòa án liên bang ở Brooklyn (New York) ngày 24/9.

Trong đó, bà thừa nhận đã đưa ra "các tuyên bố sai cố ý" khiến một ngân hàng Mỹ tin rằng Huawei không có hoạt động kinh doanh nào tại Iran. Đổi lại sự thừa nhận này, phía Mỹ đồng ý hoãn truy tố và sẽ hủy toàn bộ cáo buộc vào ngày 1/12/2022 nếu bà Mạnh "không phạm các tội liên bang, tiểu bang hoặc địa phương" của Mỹ.

"Mạnh Vãn Chu đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện âm mưu lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một thông cáo. 

"Sự thừa nhận của Mạnh Vãn Chu đã xác nhận điểm mấu chốt trong các cáo buộc của Chính phủ Mỹ trong vụ truy tố gian lận tài chính này. Đó là Mạnh và các nhân viên Huawei của bà ấy đã tham gia vào một nỗ lực phối hợp nhằm đánh lừa các tổ chức tài chính toàn cầu, Chính phủ Mỹ và công chúng Mỹ về các hoạt động của Huawei tại Iran", Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh.

Bà Mạnh bị bắt tại sân bay Vancouver của Canada ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị cáo buộc lách lệnh trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Iran. Các cáo buộc khác bao gồm lừa dối và che giấu hoạt động kinh doanh tại Iran để Ngân hàng HSBC tiếp tục xử lý các giao dịch tài chính cho Huawei.

Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ và nhiều lần yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh. Ít nhất 2 người Canada đã bị bắt tại Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt tại Canada.

Sau khi nộp tiền bảo lãnh, bà Mạnh được cho tại ngoại nhưng phải chịu sự giám sát liên tục bằng thiết bị điện tử và giới hạn thời gian, địa điểm đi lại ở Canada.

Theo báo New York Times, sự việc lần này có thể làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mở đường cho việc phóng thích 2 người Canada bị bắt tại Trung Quốc.

Tuy nhiên theo truyền thông Canada, việc trả tự do cho các công dân của nước này còn phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có thiện ý hay không, do thỏa thuận hoãn truy tố giữa bà Mạnh và Mỹ không bao gồm yêu cầu này./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết