Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối các động thái mới của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc tuyên bố đảm bảo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1/5 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tiếp tục điều tàu hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
Philippines đã đệ trình thêm hai công hàm phản đối, cho rằng các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông tạo ra bầu không khí bất ổn, gây tổn hại tới việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Trong nghị quyết công bố ngày 26/4, các thượng nghị sỹ Philippines đã chỉ trích các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông, chỉ rõ các hành động này đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài tại La Haye.
Nghị quyết cũng tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS 1982, khẳng định đây là văn kiện “đóng vai trò hiến pháp cho các đại dương và là một hiệp ước quốc tế hệ thống hóa luật lệ quốc tế,” không công nhận việc dùng sức mạnh, trong đó có sức mạnh quân sự, để củng cố yêu sách về các vùng biển và các nguồn tài nguyên biển.
Trong Sách Xanh ngoại giao 2021 công bố ngày 27/4, Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh quan ngại về hoạt động mở rộng quân sự của Trung Quốc cũng như các hoạt động gia tăng của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tài liệu này nhận định hoạt động mở rộng các năng lực quân sự của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại những vùng biển nêu trên ở châu Á đã và đang đặt ra những "quan ngại nghiêm trọng" đối với khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng cảnh báo về những động thái gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng trung tuần tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Suga nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí phản đối bất cứ nỗ lực nào làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc hành vi cưỡng ép tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.”
Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại nhiều khu vực ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố gửi Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu, EU nhấn mạnh sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại Bãi Ba Đầu đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tuyên bố nêu rõ EU ủng hộ tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đống Nam Á (ASEAN) dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.
EU thúc giục tất cả các bên theo đuổi những nỗ lực chân thành hướng tới việc hoàn tất bộ quy tắc này, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, vì lợi ích của tất cả các bên.
Bình luận tại Đối thoại Raisina ở Ấn Độ ngày 13/4, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế dựa trên pháp luật và phương hại tới tự do hàng hải ở Biển Đông.
Các chuyên gia phân tích về tình hình Biển Đông cũng bày tỏ lo ngại về những động thái của Trung Quốc.
Cựu Thẩm phán tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo việc Trung Quốc thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông đe dọa UNCLOS 1982. Theo ông, sự sụp đổ của UNCLOS 1982 và sự chấm dứt của trật tự hàng hải dựa trên quy tắc đồng nghĩa với sự khởi đầu của một trật tự hàng hải được tạo ra và thực thi bằng vũ khí và sự tiếp nối của khái niệm "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh."
Trang mạng eurasiareview.com đăng bài đề cập việc tàu Trung Quốc liên tục hoạt động trái phép tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho rằng Trung Quốc ngày càng xâm lấn Biển Đông bất chấp các chuẩn mực toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Những hoạt động như vậy của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 29/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố đảm bảo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ 1/5 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành hành phù hợp với quy định của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử đối với cả chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam, được xác lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của Việt Nam đều vô giá trị và không được công nhận./.
Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)