Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) đã chính thức khai mạc tại thành phố Katowice của Ba Lan ngày 03/12 với sứ mạng phải hành động gấp để cắt giảm khí phát thải nhà kính nhằm thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Đây thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi các nhà đàm phán tới từ gần 200 quốc gia phải thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu đề ra.
COP 24 khai mạc tại Katowice với sứ mệnh phải hành động gấp để cắt giảm khí phát thải nhà kính, thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Ảnh minh họa: Zing
Ba năm trước tại Hội nghị lần thứ 21 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đại diện 195 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Các quốc gia đã cam kết khống chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C thậm chí là 1,5 độ C vào năm 2030 nếu có thể. Nhưng ba năm qua, thế giới đã phải chứng kiến một sự bùng nổ của các vụ cháy rừng dữ dội làm nhiều người thiệt mạng, các đợt nắng nóng gay gắt và những đợt hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp, các cơn bão ngày càng có sức tàn phá mạnh và mực nước biển ngày càng dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều nơi.
Tác nhân gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan có sức tàn phá ngày một lớn đó chính là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của con người, làm phát thải ra lượng khí CO2 cao, dẫn tới sự ấm lên toàn cầu không thể kiểm soát nổi. Cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính là một trong những nhiệm vụ chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Ba Lan, bên cạnh việc hoàn tất một bộ quy chuẩn hướng dẫn các nước thực thi Thỏa thuận Paris một cách đầy đủ.
Tuy nhiên việc hiện thực hóa những nhiệm vụ này không hề đơn giản khi các nhà đàm phán phải đón nhận những tin không vui trước khi hội nghị diễn ra. Trong các báo cáo mới đây, các tổ chức khí tượng và môi trường của LHQ cảnh báo nhiệt độ toàn cầu đang tiếp tục tăng và có khả năng tăng thêm từ 3 tới 5 độ C trong thế kỷ này, vượt xa so với mục tiêu hạn chế mức tăng từ 1,5 cho tới 2 độ C đã được đặt ra trước đó. Điều đó có nghĩa thế giới cần phải nỗ lực gấp ba thậm chí gấp năm lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đề ra, trong đó có việc giảm một nửa tỉ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch - một nhiệm vụ được coi là bất khả thi đối với các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga, Indonesia, Đức hay Ba Lan.
Bên cạnh đó, chia rẽ chính trị sâu sắc và sự thiếu thiện chí của một số quốc gia đang cản trở việc thực thi thỏa thuận. Ngoài việc Mỹ tái khẳng định họ sẽ không tham gia thỏa thuận, chính phủ mới của Brazil đe dọa cũng có hành động tương tự. Cách đây 4 ngày, chính phủ Brazil tuyên bố rút đề nghị đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 vào năm tới đúng hai tháng sau khi họ giành quyền đăng cai. Các chuyên gia lo ngại động thái của Mỹ và Brazil có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với một số nước đang phát triển vốn là những nước thải nhiều khí CO2 và nhiều nước sản xuất dầu mỏ nếu như bộ quy chuẩn với những thước đo chuẩn không được hoàn thiện lần này.
Đó là còn chưa kể tới những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, bất ổn hậu Anh chia tay Liên minh châu Âu, tình trạng trì trệ trong đầu tư giảm khí phát thải nhà kính, hay cam kết ủng hộ tài chính còn thấp cho các nước đang phát triển. Đó là những tín hiệu không mấy tốt lành để có thể đảm bảo Thỏa thuận Paris được thực thi đầy đủ trên thực tế.
Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến lạc quan cho rằng với khẩu hiệu “Cùng thay đổi”, hội nghị sẽ tạo ra sự đồng thuận với các cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước tham gia nhằm thực thi Thỏa thuận Paris. Ngay trước thềm hội nghị diễn ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina cuối tuần qua, lãnh đạo các nước, ngoại trừ Mỹ, đã tái cam kết tuân thủ Thỏa thuận Paris, coi đây là một văn bản không thể đảo ngược được. Nước chủ nhà Ba Lan cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để một bộ quy chuẩn hướng dẫn triển khai thỏa thuận sẽ được thông qua tại hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 tại Ba Lan là một trong hai hội nghị cuối cùng trước thềm năm 2020 khi Thỏa thuận Paris 2015 chính thức có hiệu lực. Sự thành công của nó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chính trị quốc tế, và hợp tác cùng nhau chính là cách duy nhất để giải quyết mối đe dọa toàn cầu của biến đối khí hậu./.
Hữu Bình/VOV-Praha