Tiếng Việt | English

10/01/2021 - 15:10

Đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc dừng chơi trò “đuổi bắt”

Từng có nhiều ý kiến cho rằng Washington đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc và một cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa hai bên là điều không thể tránh khỏi.

Cạnh tranh vai trò dẫn đầu

Bất chấp những con đường khác nhau mà Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi, ông John Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ) dự đoán rằng, hành trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ diễn ra giống với hành trình vươn lên trở thành siêu cường của Mỹ. Theo lập luận của ông, trong một hệ thống quốc tế, các quốc gia luôn được thúc đẩy để tìm kiếm vai trò dẫn đầu thế giới.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA. 

Còn Graham Allison, giáo sư ngành khoa học chính trị của Trường Chính sách John F Kennedy thuộc Đại học Harvard đã cảnh báo về "Bẫy Thucydides" ám chỉ những nguy hiểm có thể leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và mới nổi.

Điểm mấu chốt ở đây là Mỹ sẽ không chịu nhượng bộ trước các đối thủ cạnh tranh và nước này luôn giữ lập trường phải trở thành người chiến thắng cuối cùng trong mọi cuộc chơi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo đuổi một chính sách đầy tham vọng vượt qua mọi giới hạn. Ông cố gắng kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc bằng cách nhắm vào lĩnh vực công nghệ của nước này. Bất chấp những chao đảo và rạn nứt trong chính quyền, Tổng thống Trump đã bước đầu gặt hái được một số thành công trong chính sách gây sức ép với Bắc Kinh. Bằng chứng là ông đã khiến tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei và nhiều công ty hàng đầu khác của Trung Quốc liên tiếp đối mặt với khó khăn. Song giới phân tích cho rằng, về lâu về dài, cách tiếp cận này có thể có lợi cho Trung Quốc bởi nó giúp nước này lấp đầy những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và tăng cường đổi mới.

Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ vượt ra khỏi những toan tính được thúc đẩy dưới thời ông Trump, phối hợp với các quốc gia cùng chí hướng buộc Trung Quốc hành xử “theo chuẩn mực quốc tế” và tôn trọng trật tự toàn cầu. Theo quan điểm của ông Biden, nền chính trị thế giới nên hoạt động theo những giá trị và quy tắc được hoạch định một cách có tổ chức, do Mỹ dẫn đầu. Im ắng trong suốt 4 năm cầm quyền của ông Trump, các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương giờ đây sẽ bận rộn với việc lập kế hoạch hợp tác cho tương lai.

Trong một bài bình luận được xuất bản vào cuối năm 2020, các nhà phân tích Jake Sullivan và Kurt Campbell đánh giá, chính sách của ông Biden có thể tạo ra sự “cưỡng chế mềm” đối với trật tự toàn cầu.

“Nếu Trung Quốc hy vọng được tiếp cận một cách bình đẳng với một liên minh kinh tế mới, thì các khuôn khổ pháp lý và kinh tế của họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự. Sức mạnh đến từ liên minh này sẽ buộc Trung Quốc phải lựa chọn: hạn chế tự do hóa và bắt đầu tuân thủ các quy tắc thương mại, hoặc chấp nhận những điều khoản ít mang lại lợi ích cho nước này từ hơn một nửa các nền kinh tế trên toàn cầu”.  

Các bên cần biết đâu là giới hạn

Từng có ý kiến cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Cuộc chiến này nếu xảy ra sẽ rất khác so với các cuộc xung đột trong quá khứ.

Trước kia, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô tập trung vào ý thức hệ, vũ khí hạt nhân, tạo ra hai lăng kính riêng biệt về thế giới. Thì nay, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghệ, thương mại, quân sự quốc phòng, mà trong đó Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên để thay thế vai trò dẫn đầu của Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thay đổi kết hợp với những thách thức nảy sinh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giới phân tích cho rằng nền tảng của sự ổn định trên toàn cầu ngày càng dễ lung lay và một cuộc đối đầu toàn diện có thể dẫn đến sự thay đổi trật tự toàn cầu.

Sau Chiến tranh thế giới lần 2, Mỹ đã trỗi dậy thành một quốc gia hùng mạnh. Hiệp định Bretton Woods năm 1944 giúp đồng USD thống lĩnh thị trường tiền tệ, buộc các đồng tiền khác quy đổi theo giá trị của nó. Tiếp sau đó là sự ra đời của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào năm 1945. Liên Hợp Quốc cũng được thành lập vào năm này nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi châu Âu (hay còn gọi là kế hoạch Marshall năm 1948), Mỹ đã có những hỗ trợ đáng kể giúp các nước châu Âu phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của Thế chiến 2. Các tổ chức và thỏa thuận nói trên đã trải qua những thách thức của thời gian, đóng vai trò trụ cột cho sự ổn định toàn cầu.

Thế nhưng trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã giảm dần vai trò lãnh đạo khi lần lượt rút khỏi các tổ chức quốc tế, tạo khoảng cách với đồng minh.

Chính sách đối phó Trung Quốc của ông Biden dường như tập trung vào một chiến lược ngăn chặn “tinh vi” hơn, dựa trên những giá trị và các mục tiêu mà chính quyền mới của ông vạch ra. Dù trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã bày tỏ thái đội cứng rắn với Trung Quốc, nhưng nhiều người vẫn hy vọng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể sau khi ông lên nắm quyền.

Bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới đã thay đổi sau hơn 70 năm. Cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu những ràng buộc về hệ thống và cấu trúc. Thay vì đối đầu và cạnh tranh quyền lực, hoặc rơi vào Bẫy Thucydides do tư duy tổng bằng không, sự cấp bách của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các bên phải thu hẹp bất đồng và chung tay gánh vác trách nhiệm./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết