Tiếng Việt | English

05/05/2025 - 19:05

Sớm lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013  

Sáng 05/5, ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội tiến hành họp tổ, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tham gia thảo luận tại Tổ 11, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An, Sơn La, Bắc Kạn và Vĩnh Long. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An cho rằng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần sớm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp để góp phần hoàn thiện dự thảo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An phát biểu tại phiên thảo luận

Theo Tờ trình tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước,...

Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở Trung ương,…

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại Tổ 11, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Bắc Kạn và Vĩnh Long

Tham gia thảo luận về những nội dung trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn” như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội trong phát biểu khai mạc Kỳ họp diễn ra sáng nay - đại biểu Lê Thị Song An nhấn mạnh.

Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Lê Thị Song An tán thành với thành phần, số lượng thành viên như Tờ trình.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị bổ sung thêm đại diện một số cơ quan, tổ chức và một số đại biểu Quốc hội tiêu biểu thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để cùng đóng góp trí tuệ vào quá trình soạn thảo./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết