Từ những điểm tương đồng…
Cùng thuộc tiểu vùng ĐTM nên Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, đời sống, sinh hoạt cộng đồng dân cư, vì vậy, tiềm năng du lịch 3 tỉnh tương đối giống nhau. Nhưng từ những điểm chung ấy, thời gian qua, mỗi địa phương đều khai thác và xây dựng cho mình thế mạnh riêng dựa trên đặc thù từng khu vực.
Mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười được các công ty du lịch hướng tới khai thác nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước (Trong ảnh: Thu hoạch bông súng mùa nước nổi ở Long An). Ảnh: Huỳnh Du
Tiền Giang thường được du khách biết đến với những vườn trái cây trù phú, nhiều loại trái cây đặc sản gắn liền với tên tuổi địa phương: Quýt Cái Bè, vú sữa Lò Rèn,... Những cái tên: Cồn Lân, Cồn Phụng, chợ nổi Cái Bè trở thành “đặc điểm nhận dạng” của du lịch Tiền Giang trong lòng du khách. Bên cạnh đó là các địa danh du lịch tâm linh, di tích văn hóa, lịch sử chứa đựng nhiều điều hấp dẫn du khách gần xa: Chùa Vĩnh Tràng, chùa Linh Thứu, Trại rắn Đồng Tâm hay hàng loạt nhà cổ của các cai, tổng ngày xưa,... Đó chính là ưu thế, thuận lợi của du lịch Tiền Giang nhằm thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
Nếu Tiền Giang nổi tiếng với những vườn trái cây thì Đồng Tháp lại được biết đến nhiều bởi Tràm Chim (Tam Nông), Khu di tích Xẻo Quýt (Cao Lãnh), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng hoa Sa Đéc,... Đồng Tháp xây dựng hình tượng một địa phương du lịch thân thiện và chuyên nghiệp với “những quy tắc ứng xử nơi công cộng”, hệ thống homestay đa dạng và hoạt động hiệu quả. Tại Đồng Tháp, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch được vạch ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này. Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp: Hiện, tỉnh có nhiều tour, tuyến du lịch, trong đó có 4 tour liên tỉnh và quốc gia bằng cả đường thủy và bộ.
Khu Ramsar Láng Sen ở Long An - địa điểm có nhiều tiềm năng du lịch nếu được khai thác đúng cách. Ảnh: Kiên Định
Có nhiều nét tương đồng với các địa phương trên về điều kiện tự nhiên nhưng Long An lại chọn cho mình “điểm nhấn” chú trọng du lịch sinh thái. Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, khu Ramsar Láng Sen là những điểm nổi bật. Ngoài ra, Long An còn có một số công trình vui chơi, giải trí nhân tạo được đầu tư tại huyện Bến Lức, Đức Hòa và hàng loạt di tích lịch sử phục vụ du khách tham quan. Tuy nhiên, những tiềm năng và thế mạnh trên, Long An vẫn chưa khai thác được nhiều.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với du lịch tiểu vùng ĐTM chính là sự liên kết, phối hợp cùng nhau phát triển. Trên cơ sở hợp tác, phát triển cái riêng làm nổi bật cái chung, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và cả TP.HCM đang nỗ lực hợp tác cùng nhau làm “bật dậy” tiềm năng du lịch to lớn của tiểu vùng ĐTM hiện nay.
... Đến cần có “tiếng nói chung”
Nhiều kế hoạch, giải pháp, đề xuất được đưa ra, nhưng quan trọng phải kể đến là đào tạo nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, liên kết quảng bá xúc tiến,... của các địa phương trong tiểu vùng.
Có một thực tế cần phải nhìn nhận chính là mặc dù mỗi địa phương xây dựng cho mình điểm nổi bật riêng nhưng việc phát triển du lịch của vùng vẫn còn đơn điệu, rời rạc, chất lượng phục vụ chưa cao và có sự trùng lặp trong khai thác tài nguyên du lịch. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn - Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, du lịch tiểu vùng ĐTM muốn phát triển cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Xây dựng mô hình liên kết phát triển giữa các tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết quảng bá xúc tiến,... Riêng đối với đào tạo nhân lực, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn cho rằng: “Để du lịch vùng ĐTM phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có thì yếu tố con người là then chốt. Vì vậy, cần gấp rút triển khai đào tạo những nghiệp vụ cần thiết trước và có các định hướng lâu dài tiếp theo”. Ông phân tích, những đối tượng cần được bồi dưỡng, đào tạo ngay chính là lực lượng nhân sự trực tiếp tại doanh nghiệp làm du lịch, các chủ đầu tư và lực lượng quản lý về du lịch, nhất là lực lượng tại huyện, xã. Muốn làm được điều đó, cần có sự phối hợp của 3 tỉnh. Cũng nói về vấn đề nhân lực, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Châu cho rằng, nguồn nhân lực du lịch ĐTM được đánh giá vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp phục vụ trong ngành du lịch.
Người dân Thạnh Hóa thu hoạch khóm, đây cũng là nét đặc trưng vùng có thể khai thác phát triển du lịch. Ảnh: Huỳnh Du
Không chỉ có nhân lực, vấn đề về kết cấu hạ tầng cũng cần được quan tâm hơn nữa. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhận định: “Sau khi tổ chức một số tour về ĐTM, tôi nhận thấy, vẫn còn các tuyến đường chưa đáp ứng tốt yêu cầu di chuyển: Mặt đường xuống cấp, tải trọng cầu trên đường không cao, không có bảng chỉ dẫn,... Điều đó không chỉ gây khó khăn cho khách “lẻ” mà cũng là thử thách với các công ty du lịch”. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, kết cấu hạ tầng chưa phát triển mạnh, ảnh hưởng đến liên kết du lịch của vùng. Bà Ánh Hoa dẫn chứng: “Từ TP.HCM đến tiểu vùng ĐTM chỉ có hệ thống đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, còn lại Quốc lộ 1 luôn trong tình trạng quá tải, gây ra ùn tắc, kẹt xe”.
Tiếp thu những đóng góp từ đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương có cam kết về việc rà soát, nâng cấp đường giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Trần Thanh Đức cho biết: Tỉnh sẽ rà soát lại các tuyến giao thông chính phục vụ du lịch để có hướng nâng cấp, sửa chữa trong thời gian tới. Đó cũng là nỗ lực mà tỉnh Long An đang hướng tới. Để thực hiện tốt hợp tác liên kết phát triển du lịch, Long An cam kết liên kết xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật du lịch, tạo thuận lợi cho kết nối tuyến/điểm du lịch của vùng ĐTM.
Các tỉnh tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề liên kết vùng trong du lịch, từ đó, các khó khăn, vướng mắc được “mổ xẻ” và đưa ra giải pháp. Ảnh Phương Phương
Để hợp tác đưa tiểu vùng ĐTM trở thành tiểu vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới thì các địa phương, doanh nghiệp cần phải cùng nhau khắc phục những khó khăn hiện có, tìm ra “tiếng nói chung” vì mục tiêu liên kết cùng phát triển. Cần có nhiều hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề liên kết vùng trong du lịch, từ đó, các khó khăn, vướng mắc được “mổ xẻ” và đưa ra giải pháp khắc phục, phát triển. Hy vọng rằng, mục tiêu hợp tác khơi dậy tiềm năng du lịch của ĐTM sẽ sớm thành công và tiểu vùng ĐTM sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước./.
Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Liên kết không phải lúc nào cũng dựa vào phân khúc khác nhau mà mỗi địa phương cần cạnh tranh nhau về dịch vụ du lịch. Trong liên kết nên có sự cạnh tranh, tạo ra động lực phát triển. Các địa phương liên kết về cơ chế, chính sách, sản phẩm, dịch vụ nhưng cũng cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, cách phục vụ, tạo nét riêng của mình vì du khách ngày nay quan tâm du lịch trải nghiệm, muốn biết về vùng đất và con người mình đến như thế nào”. Giám đốc Công ty Du lịch Việt Phong Mekong - Nguyễn Văn Thanh: “Để liên kết du lịch tiểu vùng ĐTM, các cơ quan quản lý nhà nước của Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, TP.HCM cần tổ chức các chuyến khảo sát, xây dựng nhiều tour liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở, dịch vụ du lịch,...”. Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc Công ty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT - Nguyễn Thanh Mỹ: “Muốn liên kết phải có sản phẩm cụ thể và đặc trưng từng nơi. Các tỉnh phải xây dựng sản phẩm chung và có phân công để tránh trùng lặp. Chất lượng dịch vụ phải được nâng cấp, trước hết là tinh thần, thái độ, lấy nụ cười làm vũ khí cạnh tranh, đặc biệt phải có sản phẩm mới để thu hút khách du lịch”. |
Phương Phương