Tiếng Việt | English

07/11/2015 - 12:35

Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội – Huỳnh Văn Tý cho rằng, muốn phát triển trường nghề bền vững trong giai đoạn hiện nay thì bản thân các trường nghề phải làm tốt công tác tổ chức đào tạo, xây dựng thương hiệu của trường, đào tạo nghề phải gắn chặt với nhu cầu của doanh nghệp, thị trường.


Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Huỳnh Văn Tý làm việc với UBND tỉnh

Ngày 6-11, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý và đoàn cán bộ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các trường nghề về tình hình thực hiện đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 trường được Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi lựa chọn để hỗ trợ đầu tư nghề trọng điểm với các nghề đào tạo cấp độ khu vực, quốc gia và quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2015 các Trường tuyển sinh đào tạo nghề trọng điểm được gần 2.000 học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được các trường nghề tập trung, chú trọng. Theo báo của của UBND tỉnh, qua 5 năm thực hiện, tổng số lao động nông thôn được học nghề lên đến trên 31.000 lượt người, trong đó trên 26.000 lượt người có việc làm sau học nghề.

Tuy nhiên, hầu hết các trường nghề đều cho rằng hiện nay việc cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc dạy và học còn hạn hẹp, thiếu đồng bộ, có khi sau khi triển khai, máy móc đã lạc hậu không còn phù hợp trong nhất là các nghề phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Luật Giáo dục dạy nghề có hiệu lực nhưng các văn vản hướng dẫn dưới luật chưa được ban hành dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện tại cơ sở.

Trước những khó khăn đó, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Huỳnh Văn Tý cho rằng, hiện nay nhu cầu mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dành cho các trường nghề trong cả nước là rất lớn trong khi nguồn kinh phí từ Trung ương có giới hạn nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của từng địa phương. Bản thân các trường nghề cần phải nỗ lực phấn đấu từ nội lực, xây dựng uy tín của trường, gắn tuyển sinh với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh cần rà soát lại danh mục nghề trọng điểm trên địa bàn để có hướng đầu tư chuyên sâu, hiệu quả tránh tình trạng “thiết bị trùm mền, giáo viên thất nghiệp”, học viên sau khi đào tạo không có việc làm.

Trước đó, Thứ trưởng cùng đoàn cán bộ đã đi khảo sát trực tiếp một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cần Giuộc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết