Tiếng Việt | English

21/08/2018 - 20:11

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bộ máy hành chính cấp xã

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An phát triển đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở cơ sở.

Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cấp xã

Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cấp xã

Nhanh chóng, hiệu quả

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian gần đây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường còn ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và quản lý nhà nước. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, truy cập email, xã còn ứng dụng một số phần mềm chuyên ngành: Quản lý văn bản, quản lý hộ tịch, kế toán ngân sách,...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Nguyễn Văn Nhiều, trước đây, công văn, báo cáo, chỉ đạo của thị xã gửi đến địa phương và ngược lại phải mất nhiều thời gian thì nay nhanh hơn nhờ gửi qua mạng. Mặc dù là xã vùng biên còn nhiều khó khăn nhưng từ khi được trang bị máy vi tính phục vụ công việc, đến nay, 100% cán bộ xã Bình Hiệp sử dụng thành thạo máy vi tính, thư điện tử, các phần mềm lưu trữ số liệu,... Qua đó, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi TTHC của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết, hàng năm, thị xã dành một phần kinh phí để trang bị, mua máy vi tính và các thiết bị phụ trợ cho các xã, phường; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước đổi mới phương thức làm việc theo hướng ứng dụng CNTT. Đến nay, 100% xã, phường đều có kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng; hầu hết cán bộ, công chức cấp xã có thể sử dụng máy vi tính để làm việc hiệu quả, trao đổi thông tin qua thư điện tử,...

Bên cạnh triển khai phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa điện tử cũng là một trong những ứng dụng quan trọng mà UBND cấp xã triển khai thực hiện mang lại hiệu quả. Cần Đước là một trong những địa phương đi đầu triển khai phần mềm này cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phan Văn Tưởng thông tin: Đây là phần mềm cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp xã trên các lĩnh vực: Đất đai, địa chính, xây dựng, bảo trợ xã hội và người có công. Qua đó, giúp cán bộ xã quản lý thông tin, in phiếu hẹn, báo cáo, thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cách thuận tiện, nhanh chóng. Ngoài ra, phần mềm còn được kết nối liên thông với phần mềm một cửa điện tử của UBND huyện, cho phép chuyển xử lý hồ sơ từ xã, thị trấn lên huyện thông qua phần mềm để quản lý, giám sát quy trình hồ sơ.

Chủ tịch UBND xã Long Sơn - Đỗ Thanh Sơn cho biết: “Xã được huyện cấp tài khoản trên phần mềm. Hàng ngày, chúng tôi đều truy cập để tiếp nhận văn bản mới của UBND huyện. So với trước đây, việc gửi công văn qua mạng giúp xã nhận được thông tin chỉ đạo của huyện nhanh và có nhiều thời gian để xử lý hơn”.

“Gần đây, tôi đến UBND xã làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho con do giấy khai sinh cũ bị thất lạc. Thông tin về hồ sơ khai sinh của con tôi được cán bộ hộ tịch tra cứu trên phần mềm, sau đó in lại giấy khai sinh, trình lãnh đạo xã ký và cấp lại. Tôi rất hài lòng vì không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, khai báo, xác nhận thông tin như trước” - bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, ngụ ấp 5, xã Long Sơn, chia sẻ.

Hướng đến chính quyền điện tử

Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) - Tăng Thị Ngọc Em cho biết, hiện nay, hầu hết UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh được trang bị đầy đủ máy vi tính, máy in, kết nối mạng nội bộ và Internet. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. 6 tháng năm 2018, văn bản trao đổi dưới dạng điện tử đạt 88%, tăng 11% so cùng kỳ năm 2017, đạt mục tiêu kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của tỉnh và mục tiêu của Trung ương đề ra. 100% xã, phường, trị trấn sử dụng phần mềm một cửa điện tử, giải quyết hồ sơ đúng hạn trên hệ thống đạt 94%, tăng 14% so cùng kỳ năm 2017.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy vi tính kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công việc

Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy vi tính kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công việc

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016-2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công việc; 100% UBND cấp xã triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến; mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% UBND cấp xã;…

Việc ứng dụng CNTT ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bước đầu có hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và thực hiện cải cách TTHC ở cơ sở. Thông qua việc ứng dụng CNTT từng bước chuẩn hóa quy trình làm việc, tạo phong cách hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn./.

Mục tiêu tổng quát ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh".

Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Võ Minh Thành

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết