Một tiết mục biểu diễn xiếc thú được đăng tải quáng bá trên website Công viên văn hoá Đầm Sen
Thư ngỏ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Liên minh châu Á vì động vật về tình trạng lạm dụng động vật trong hoạt động biểu diễn xiếc phục vụ mục đích giải trí trên khắp Việt Nam.
"Cơ quan chức năng cần điều tra và xác minh nguồn gốc của cá thể đười ươi được sử dụng trong các buổi biểu diễn xiếc tại khu du lịch Đầm Sen. Trong trường hợp cá thế này được nhập khẩu vào Việt Nam, cần phải tịch thu vì đười ươi là loài thuộc danh mục động vật được Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp bảo vệ. Sau đó cần chuyển các cá thế này về cơ sở cứu hộ có uy tín, nơi có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của chúng đồng thời cần phối hợp với các cơ quan chức năng để chuyển các cá thể đười ươi trở lại nơi xuất xứ", Liên minh nêu rõ quan điểm. |
Thư dẫn báo cáo được công bố gần đây bởi Tổ chức động vật châu Á cho biết, có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp theo pháp luật Việt Nam.
Báo cáo khẳng định, nguồn gốc của các loài động vật này cũng là một trong những mối quan ngại, và theo những thông tin mà các điều tra viên thu thập được, có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở này.
Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe doạ để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự hiên trong trạng thái căng thẳng tột độ.
Báo cáo cũng cho thấy những mối lo ngại rất lớn về an toàn công cộng, chủ các rạp xiếc không có nhiều đóng góp trong hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bản năng của động vật hoang dã, hay về những mối đe doạ tới số lượng loài mà chúng phải đối mặt.
"Việc Việt Nam tham gia vào hoạt động sử dụng động vật phục vụ mục đích giải trí, khi mà một số cá thể được cho là đang bị nuôi nhốt bất hợp pháp, trong điều kiện sống tồi tàn và đa phần đều bị ngược đãi, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh quốc gia trong con mắt của bạn bè quốc tế, về khả năng bảo vệ quần thể các loài động vật hoang dã đã bị đe doạ cũng như khả năng bảo vệ chúng khỏi sự chịu đựng khi bị lạm dụng", thư của Liên minh châu Á vì động vật bày tỏ.
Vì vậy, Liên minh châu Á vì động vật kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguồn gốc tất cả các loài được bảo vệ theo Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, hiện đang được sử dụng trong các rạp xiếc. Đồng thời tịch thu và chuyển các cá thể động vật được coi là nuôi nhốt bất hợp pháp về các cơ sở cứu hộ có uy tín.
Liên minh châu Á vì động vật đề nghị:
- Truy tố cơ sở xiếc sử dụng trái pháp luật các loài động vật nhóm IB (động vật rừng) để phục vụ mục đích thương mại.
- Cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc, nơi động vật buộc phải thực hiện các hành vi trái với hành vi tự nhiên của chúng.
- Phối hợp với các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã của Chính phủ và phi chính phủ để tịch thu tất cả các cá thể động vật biểu diễn xiếc và chuyển chúng về các cơ sở có uy tín. Đồng thời hỗ trợ các chủ rạp xiếc chuyển đổi sang mô hình không sử dụng động vật.
Cuối thư, Liên minh châu Á vì động vật bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét, phối hợp với Liên minh châu Á vì động vật để chấm dứt sự hoàn toàn sự bóc lột động vật tại các cơ sở biểu diễn xiếc.
Đề nghị cấm biểu diễn xiếc thú ở công viên Đầm Sen
Đồng thời, Liên minh châu Á vì động vật có thư gửi ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, đề nghị xem xét lại vấn đề sử dụng động vật trong các buổi biểu diễn xiếc tại công viên văn hoá Đầm Sen.
"Việc công viên văn hoá Đầm Sen sử dụng gấu, ngựa... để biểu diễn xiếc là để phục vụ mục đích thương mại, chúng tôi tin rằng hành vi này là trái pháp luật".
Liên minh châu Á vì động vật cho rằng không có hồ sơ công khai về nguồn gốc của những cá thế này nên khuyến nghị chi cục kiểm lâm xác minh nguồn gốc của các cá thể gấu con xem chúng bị bắt ngoài tự nhiên, sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, hay là con non của cặp gấu bố mẹ bị bắt từ hoang dã.
Từ kết quả điều tra, Chi cục kiểm lâm cần có biện pháp xử lý vấn đề này theo luật định. "Việc tiếp tục lạm dụng động vật trong các rạp xiếc gây ra nhiều rủi ro về sức khoẻ và phúc lợi của chúng. Thêm vào đó, việc sử dụng các loài nguy cấp, quý, hiếm trong hoạt động này là trái với quy định, pháp luật Việt Nam"./.
Theo tuoitre.vn