Trong khoảng hai năm qua, có hàng ngàn dự án đã được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này đã làm nghiêm trọng hơn tình hình đóng băng tạm thời của thị trường bất động sản.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật và giao cho các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hoạt động của thị trường, doanh nghiệp bất động sản. Thực hiện những nhiệm vụ này, các bộ, ngành đã rất tích cực triển khai và hoàn thiện một số công việc.
Điều chỉnh chính sách linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng… Hay Bộ Tài chính đã hoàn thiện sửa đổi Nghị định 65, 53 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng cho biết: “Thủ tướng cũng giao cho các ngành, cơ quan rà soát các quy định liên quan đến luật thuộc chức năng của các ngành. Ví dụ như đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu rà soát các quy định pháp luật có bất cập, gây cản trở trong việc triển khai các dự án bất động sản, liên quan đến lĩnh vực xây dựng quy hoạch, quy hoạch phát triển đô thị về nhà ở kinh doanh…
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Bộ KH&ĐT rà soát sửa đổi quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc chấp thuận hay điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu triển khai thực hiện dự án bất động sản. Đối với Bộ Tài chính, yêu cầu nghiên cứu sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 về chào bán và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp”./.
Thúy Hà/VOV1