Tiếng Việt | English

15/02/2023 - 12:20

Múa bóng rỗi tại Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng

Đến với Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), du khách được thưởng thức nhiều hoạt động đặc sắc. Không chỉ chiêm ngưỡng, cúng bái, du khách còn được chứng kiến lễ cầu an, nhạc lễ, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng,... đặc biệt là múa bóng rỗi.

Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Nam bộ. Loại hình này có từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong công cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm. Đêm 20 tháng Giêng, nhằm tối thứ sáu, sắp xếp xong việc nhà, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thy (quận 8, TP.HCM) đến Vía Bà Ngũ Hành. “Do tối cuối tuần nên lượng khách đến đây rất đông. Sau khi cúng bà, vợ chồng tôi xem múa bóng rỗi ở phía trước miếu. Cả nhà thích thú với các tiết mục được các cô bóng, bà bóng biểu diễn. Tôi cho rằng, vừa hát, vừa múa, vừa đội những vật dụng lên miệng, lên đầu, các cô bóng phải trải qua quá trình tập luyện vất vả mới có thể thực hiện được” - chị Thy chia sẻ.

Cô bóng múa ghế

Múa bóng rỗi có 2 phần là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Một số bà bóng, cô bóng chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò, chờ đợi. Trong đó, múa mâm vàng là một thứ đồ mã đã dán trên chiếc mâm nhôm. Người ta dùng các loại giấy khác màu để tạo hình ngôi tháp. Tùy theo địa phương và theo "lò" đào tạo của các bà bóng mà hình dạng, màu sắc của mâm vàng khác nhau. Mâm vàng hình tháp là lễ vật mang tính linh thiêng để dâng lên các nữ thần. Múa mâm vàng có nhiều động tác như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyển mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, còn nghệ thuật gần với xiếc tạp kỹ.

Tại lễ hội, đông đảo người xem còn khá ấn tượng với múa ghế. Tiết mục này lúc nào cũng gây được sự hứng thú cho người xem. Bà bóng dùng 7-8 chiếc ghế chồng lên nhau rồi dùng miệng cắn chân ghế và múa. Mỗi động tác của bà bóng thường nhận được một tràng pháo tay của người xem. Không những vậy, bà bóng còn dùng 2 nhánh bông huệ dài, một cắn ở miệng, một để thẳng đứng, đầu của nhánh thẳng xuống tiếp xúc với đầu của nhánh còn lại. Khi thể hiện những điệu múa thuần thục, nhuần nhuyễn, bà bóng di chuyển liên tục mà nhánh huệ không bao giờ rớt. Ngoài ra, tại Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành, múa bóng rỗi còn kèm theo múa dĩa, múa trống chầu,... Với 2 loại hình này, cần phải có sự khéo léo và sức khỏe mới có thể thực hiện được những động tác đẹp mắt.

Múa trống

Ngoài tài nghệ múa, bà bóng còn có khả năng hát rỗi. Theo đó, người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ nữ thần, tay cầm trống nhỏ, gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ. Lời hát ca ngợi các vị nữ thần, mời bà về để chứng kiến cảnh mọi người đang trông chờ và phù hộ, độ trì cho họ.

Mấy chục năm theo mẹ đến Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng múa bóng rỗi và hát chập Địa nàng, Trưởng nhóm Phước Duyên - Hồ Thị Mai Duyên cho rằng, phải có duyên mới gắn bó được với nghề. Bà ở TP.HCM nhưng các thành viên trong nhóm gồm nhiều tỉnh, thành, kết nối những người có niềm đam mê múa bóng rỗi. “Tại Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng năm nay, sau khi cúng cầu an cho người dân, đoàn chúng tôi trình diễn múa bóng rỗi và hát chập Địa nàng. Hầu hết tiết mục đều được chuẩn bị công phu, khéo léo,... cầu may mắn, bình an đến cho người dân và đất Việt của mình” - bà Duyên nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Đào Thị Ngọc Vui cho biết, miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng không những là chứng tích vật chất của cuộc Nam tiến của cha ông ta trên mảnh đất này trong suốt quá trình tồn tại của mình mà đây còn là nơi bảo tồn một lễ hội truyền thống. Lễ hội được tổ chức khá trang trọng với các nghi thức về nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, bóng rỗi, hát chập Địa nàng,... thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi đến cúng viếng. Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành ở Long Thượng còn là dịp để người dân trong và ngoài địa phương gặp gỡ, giao lưu, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng.

Có thể nói, múa bóng rỗi là một nghệ thuật diễn xướng và hát, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của con người đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất. Trang phục của các bà bóng, cô bóng vì thế cũng rất cầu kỳ, đầy đủ áo, nón, váy, khăn choàng cổ,... Việc trang điểm cũng kỹ, đậm phấn son. Đây là một nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, thể hiện được giá trị văn hóa nghệ thuật cao, cần được bảo tồn và phát huy./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết