Tiếng Việt | English

17/10/2022 - 19:50

40 năm gắn bó với nghề múa bóng rỗi

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Minh Hùng là người múa bóng rỗi duy nhất trong tỉnh Long An được công nhận là NNƯT. Ông có hơn 40 năm hoạt động múa bóng rỗi. Giờ đây, các câu rỗi, các động tác múa mâm vàng thấm sâu và trở thành một phần cuộc sống của ông.

Mọi người biết đến NNƯT Lê Minh Hùng bằng cái tên cô bóng Ngọc Hùng, một cô bóng tuồng luôn bài bản trong việc múa bóng, hát rỗi dâng cúng bề trên và cũng có nhiều tiết mục biểu diễn tạp kỹ đặc sắc. Từ ngày còn trẻ, NNƯT Lê Minh Hùng đã có niềm đam mê mãnh liệt với múa bóng rỗi. Các động tác múa điêu luyện, nhịp nhàng của cô bóng cùng lời văn rỗi hòa với tiếng đờn khiến chàng trai trẻ Lê Minh Hùng say mê. Mặc cho gia đình ra sức ngăn cản, ông vẫn lén tập luyện và học hỏi, dần trở thành cô bóng Ngọc Hùng, được nhiều người yêu quý.

NNƯT Lê Minh Hùng kể, vì đam mê nên vừa làm nghề, ông vừa tìm hiểu. Thấy các cô bóng khác có lời văn hay, điệu múa đẹp, ông đều xin phép được học theo. Giờ đây, nói về các nghi thức múa bóng thì cô bóng Ngọc Hùng đều biết rõ. NNƯT Lê Minh Hùng nói: “Khi biết rõ các nghi thức thì việc cúng tế sẽ trang nghiêm hơn và cũng vì biết rõ mà mình không lạm dụng múa bóng rỗi để biến tướng thành mê tín dị đoan”.

Cô bóng Ngọc Hùng biểu diễn múa bóng

Với NNƯT Lê Minh Hùng, được làm nghề là niềm hạnh phúc. Khi được hỏi về chuyện múa bóng, ông chia sẻ một cách chân thành, vui vẻ. Múa bóng rỗi gồm có múa bóng và hát rỗi. Các động tác múa yêu cầu người múa chủ yếu dùng đầu và chú trọng yếu tố cân bằng để thể hiện sự tôn kính. Vừa giảng giải, nghệ nhân vừa sờ lên mái tóc của mình, nói: “Tóc tôi không mọc nổi cũng vì dùng đầu để múa quá nhiều!”.

Mở tủ quần áo sặc sỡ sắc màu, NNƯT Lê Minh Hùng giải thích: Trang phục của người múa bóng phải cầu kỳ như đào hát. Người múa bóng phải trang điểm đậm như một cô đào nên gia tài lớn nhất khi làm nghề chính là tủ quần áo gồm nhiều áo dài thêu công, phụng và váy ngũ sắc cùng dụng cụ trang điểm đầy đủ. Trong căn nhà nhỏ của mình, NNƯT Lê Minh Hùng dành phần lớn không gian để chứa dụng cụ làm nghề: Đồ trang điểm, đạo cụ biểu diễn tạp kỹ; giấy vàng, bạc dùng để dán mâm vàng, mâm bạc và mâm lộc.

Trân trọng và yêu mến công việc nên dù ở độ tuổi có thể nghỉ ngơi nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Hàng ngày, nếu không dạy học trò, ông dán mâm vàng hoặc chế tác các đạo cụ biểu diễn từ sáng sớm đến gần giữa đêm. “Còn làm được tới đâu thì tôi sẽ làm tới đó, còn dạy được học trò tôi sẽ dạy, chỉ mong múa bóng rỗi được gìn giữ, lưu truyền” - NNƯT Lê Minh Hùng bộc bạch. Ông dạy học trò hoàn toàn miễn phí. Sau khoảng 6 tháng, khi học trò có thể hoạt động độc lập, ông còn tự tay làm tặng học trò một bộ đạo cụ biểu diễn và dặn dò phải tiếp tục học hỏi trong quá trình làm nghề.

Nhiều học trò của NNƯT Lê Minh Hùng giờ trở thành những cô bóng được nhiều người biết: Cô bóng Vinh (huyện Châu Thành), cô bóng Lợi (TP.Tân An),... Mỗi khi có các hội thi hay liên hoan, NNƯT Lê Minh Hùng đều tạo điều kiện đưa học trò đi tham dự, vừa để học hỏi kinh nghiệm, vừa để rèn giũa thêm kinh nghiệm trong hành trình theo nghề múa bóng.

Thời gian ở nhà, Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng dán vật phẩm cúng

Người múa bóng ngoài việc nhuần nhuyễn các động tác múa khéo léo còn phải thuộc lời văn rỗi, hiểu về nhạc cụ và biết cách phối hợp nhịp nhàng giữa lời văn, điệu múa với âm nhạc, tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa trang nghiêm để dâng cúng Bà, vừa đẹp mắt và mang tính giải trí, thu hút người tham dự lễ hội. Ngoài ra, các cô bóng còn phải tỉ mỉ, khéo léo để tự cắt dán mâm vàng, mâm bạc và mâm lộc.

Để theo được nghề múa bóng, NNƯT Lê Minh Hùng đã vượt qua không ít khó khăn, từ sự ngăn cản của gia đình, thái độ của xã hội và cả những khó khăn, vất vả khi làm nghề. Có theo chân NNƯT trong một dịp múa bóng rỗi mới thấy hết sự vất vả của nghề múa bóng. Chỉ riêng việc trang điểm, nghệ nhân mất hơn 1 giờ, mỗi động tác múa đều đòi hỏi sự khéo léo và thể lực. Sau mỗi tiết mục, những giọt mồ hôi ướt đẫm trán và áo của ông. Nhưng rồi, tất cả những điều đó vẫn không thể ngăn bước cô bóng Ngọc Hùng tiếp tục yêu nghề và làm nghề cho tới khi còn có thể./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Tìm hiểu exp là gì Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệp