Tiếng Việt | English

24/11/2021 - 18:50

Dù đã có vaccine, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn cao hơn năm 2020

Dù hơn một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ trong năm 2021 (tính đến ngày 23/11) vẫn cao hơn so với năm 2020.

Trong năm 2021, tính đến ngày 23/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận 386.233 ca tử vong do Covid-19, so với 385.343 ca vào năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng vì hơn một tháng nữa năm 2021 mới kết thúc và các địa phương cũng cần thời gian để báo cáo số ca tử vong cho CDC.


Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện United Memorial Medical Center ở Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên tổng số người chết tại Mỹ năm 2021 cũng cao hơn so với năm 2020, tăng từ 11% trong năm 2020 lên 13% trong năm 2021.

Các chuyên gia cho biết, số người tử vong do Covid-19 năm nay cao hơn có thể do nhiều yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức cần thiết, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, cũng như sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nhiều người Mỹ đang coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được, chứ không còn là một cuộc khủng hoảng. 

Trong khi đó, nhiều người Mỹ vẫn từ chối tiêm chủng. Tới nay, Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho 59% dân số, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7).  

“Khi tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao, việc trở lại cuộc sống bình thường có thể khiến mọi người có nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 cao hơn”, Tiến sĩ Jennifer Nuzzo, chuyên gia Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết.

“Nếu bạn không áp dụng các biện pháp phòng dịch, có nguy cơ sẽ xuất hiện một loại virus có khả năng lây lan nhanh hơn và tạo ra những lỗ hổng nguy hiểm trong khả năng miễn dịch, điều đó sẽ dẫn đến nhiều ca mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong hơn”, bà Nuzzo nêu rõ.

Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bellevue, ước tính rằng khoảng 15% dân số Mỹ đã có miễn dịch do từng mắc Covid-19, nhưng miễn dịch tự nhiên có thể không mạnh mẽ hoặc kéo dài bằng miễn dịch nhờ tiêm chủng. Theo bà Gounder, tỷ lệ tiêm chủng có thể phải đạt tới 85-90% thì mới có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Khi vaccine được triển khai, nhiều người cho rằng ‘Covid-19 đã kết thúc’. Do đó, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ cao, nhiều người đã quay trở lại cuộc sống bình thường, và với những thay đổi về hành vi đó, họ đã làm gia tăng sự lây nhiễm”, Tiến sĩ Gounder nói./.

CTV Mai Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết